HỚN QUẢN – BÌNH PHƯỚC NHỮNG BƯỚC ĐỘT PHÁ TRONG VIỆC THỰC HIỆN CÔNG TÁC DÂN SỐ - KHHGĐ

HỚN QUẢN – BÌNH PHƯỚC NHỮNG BƯỚC ĐỘT PHÁ TRONG VIỆC  THỰC HIỆN CÔNG TÁC DÂN SỐ - KHHGĐ
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về dân số và chăm sóc sức khoẻ sinh sản (CSSKSS), đặc biệt là thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam và Chiến lược Quốc gia về sức khỏe sinh sản (SKSS) giai đoạn 2001 - 2010, Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Dân số và SKSS Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015, công tác dân số, CSSKSS của huyện Hớn Quản đã đạt được những kết quả quan trọng.
Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Hớn Quản được thành lập theo quyết định số 3107/QĐ – UBND, ngày 04/11/2009 của UBND tỉnh Bình Phước. Ngay sau khi Trung tâm dân số - KHHGĐ được thành lập và đi vào hoạt động, đơn vị đã trực tiếp tham mưu Hội Kế hoạch hóa gia đình tỉnh thành lập Chi Hội KHHGĐ huyện Hớn Quản.
Ngày đầu được thành lập và đi vào hoạt động, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Hớn Quản đứng trước rất nhiều khó khăn: đội ngũ hội viên đa số là mới nên chưa có kinh nghiệm trong công tác cũng như trong lĩnh vực chuyên môn; trình độ dân trí của người dân còn hạn chế; đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống còn gặp khó khăn…
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng qua 5 năm triển khai thực hiện, dưới sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, chính quyền địa phương và các ban ngành, đoàn thể huyện Hớn Quản, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp từ Chi cục DS – KHHGĐ, Trung tâm Dân số - KHHGĐ Hớn Quản đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
 Năm 2010 tỷ suất sinh thô của huyện Hớn Quản là 18,76%o, đến năm 2015 tỷ suất sinh thô giảm xuống còn 15,4%o, giảm (3.36%o);  Quy mô dân số được duy trì ở mức hợp lý; Mức sinh hằng năm giảm từ 0,4 – 0,65%0; tỷ lệ sinh con thứ 3 năm 2010 là 12,58% năm 2015 giảm xuống còn 9,16% (giảm 3.64%); cơ cấu tuổi và số số con của người sử dụng biện pháp tránh thai dịch chuyển theo hướng trẻ hơn và ít con hơn. Số con trung bình của mỗi phụ nữ là 2,5 (năm 2010) nay đã giảm xuống còn 2,1 con, đạt với mức sinh thay thế; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ năm 2010 đến nay đã giảm 0,29%; tỷ lệ các cặp phụ nữ có chồng sử dụng BPTT hiện đại năm 2010 là 64% đến năm 2015 tăng lên 74,2%. Trong đó phụ nữ người đồng bào tăng từ 34% năm 2010 lên 41% năm 2015.
Công tác chăm sóc SKSS cho phụ nữ, sàng lọc trước sinh và sơ sinh hằng năm đều vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số được triển khai có hiệu quả. Tốc độ gia tăng tỉ số GTKS được khống chế ở mức 104,4 trẻ em trai sinh ra còn sống /100 trẻ em gái sinh ra còn sống; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng mỗi năm giảm từ 1 - 1,5%; tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động ( từ 15 – 64 tuổi), chiếm 72,06%, gấp 2,4 lần so với tỷ trọng dân số trong độ tuổi phụ thuộc ( dưới 15 tuổi và từ 65 tuổi trở lên), như vậy huyện Hớn Quản đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”.
 Việc tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về dân số - KHHGĐ, đặc biệt đối với công tác KHHGĐ cũng được thực hiện có hiệu quả. Qua 05 năm triển khai và thực hiện, đã có 80 lượt xã với hơn 19.650 lượt người dân thuộc các xã vùng khó khăn được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc KHHGĐ. 100% người dân có nhu cầu sử dụng các BPTT hiện đại đều được tư vấn và cung cấp các dịch vụ đầy đủ, theo yêu cầu. Bên cạnh đó đã có hơn 19.000 lượt người sử dụng các BPTT mới (trong đó có 31,2%) đối tượng là người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia. Đáng chú ý là ngày càng có nhiều người dân lựa chọn các BPTT lâu dài và có tính bền vũng cao như; Triệt sản nam, nữ là 210 trường hợp. Vòng tránh thai có: 4.730 đối tượng tham gia; Thuốc tiêm là: 1890 đối tượng...  
Hằng năm, Trung tâm Dân số -  KHHGĐ huyện  tổ chức triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền về giới, tăng cường giáo dục sức khoẻ và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Nhiều cuộc vận động xây dựng mô hình câu lạc bộ không có người sinh con thứ 3 ở xã An Phú, Tân Hiệp và Đồng Nơ; CLB tiền hôn nhân, CLB phòng chống bạo lực gia đình ở xã Tân Lợi, Tân Quan; câu lạc bộ phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở xã An Khương, CLB tuyên truyền phổ biến pháp luật về công tác KHHGĐ bằng tiếng Stiêng ở xã Thanh An...Bên cạnh đó, Chi hội KHHGĐ huyện còn tích cực phối hợp với các ban ngành, chức năng địa phương tuyên truyền những hoạt động liên quan đến SKSS vị thành niên, Bình đẳng giới và mất cân bằng giới tính khi sinh...
 
Từ khi được tái thành lập và đi vào hoạt động, ngành dân số huyện Hớn Quản bước đầu đã có tác dụng sâu sắc đến hầu hết trong cán bộ, đảng viên, nhân dân và các lực lượng trong xã hội. Chúng ta đã hoàn thành chỉ tiêu mà Nghị quyết 47-NQ/TW, và 1/2 chặng đường chiến lược DS – SKSS giai đoạn 2011 – 2020  đã đề ra.
Để Trung tâm Dân số -  KHHGĐ huyện Hớn Quản hoạt động có hiệu quả, xóa bỏ những tập tục, hũ tục lạc hậu đối với người dân, tiến tới một mục tiêu xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, ấm no, hạnh phúc, phấn đấu sớm đạt được mục tiêu về ổn định quy mô dân số, đồng thời từng bước nâng cao chất lượng dân số, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Thiết nghĩ, cần phải có sự quan tâm hơn nửa của cấp Uỷ Đảng và chính quyền sở tại cả về mặt vật chất lẫn tinh thần; sự chung tay góp sức của toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là đội ngũ những người làm công tác chuyên môn phải quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng chung tay gắng sức duy trì những thành tựu đã đạt được, góp phần vào việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 

Tác giả bài viết: Quang Đức

Nguồn tin: Trung Tâm DS-KHHGD Hớn Quản