Giáo dục giới tính: Cần thay đổi cách nhìn nhận từ trong gia đình, nhà trường và xã hội

Giáo dục giới tính:  Cần thay đổi cách nhìn nhận từ trong gia đình, nhà trường và xã hội
Các em đang sống trong một xã hội với rất nhiều cơ hội phát triển đi kèm với những thách thức cần phải vượt qua. Các em được tiếp nhận thành quả của khoa học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại; cơ chế mở cửa hội nhập; nền kinh tế thị trường năng động, hiệu quả… song phải đối mặt với với những thay đổi về giá trị, văn hóa, lối sống và những nguy cơ liên quan đến sức khỏe sinh sản (SKSS).

Trong các gia đình Việt Nam, cha mẹ có xu hướng lảng tránh trao đổi và cung cấp cho con cái vị thành niên các kiến thức giới tính. Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cho thấy, chỉ có hơn một nửa (62,1%) cha mẹ trong mẫu khảo sát cho thấy họ có trao đổi hoặc hướng dẫn trẻ em VTN về các vấn đề liên quan đến sức khỏe tuổi dậy thì. Sự hạn chế trao đổi của cha mẹ đối với con cái VTN về chủ đề sức khỏe sinh sản một phần do quan điểm về việc không nên “vẽ đường cho hươu chạy”, một phần còn e ngại vì cho rằng đây là điều tế nhị và một phần do khó khăn không biết phải nói/truyền đạt cho con thế nào, và bên cạnh đó một bộ phận cha mẹ cảm thấy “bối rối” hoặc “xấu hổ”, hoặc không đủ kiến thức để giải thích về chủ đề này cho trẻ VTN.
Thực tế, giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên (SKSS VTN)  lại chứa đựng rất nhiều chủ đề nhạy cảm, tế nhị, học sinh khó có thể trình bày, trao đổi một cách cụ thể trong môi trường lớp học, trước mặt thầy cô và bạn bè khác giới. Đối với chủ đề này, cần phải có một môi trường phù hợp để các em có thể tin tưởng bày tỏ, trao đổi một cách thoải mái tất cả những hiểu biết, quan điểm, khúc mắc của mình. Để đáp ứng nhu cầu đó, các nội dung giáo dục SKSS VTN đã được nghiên cứu, truyền tải tới học sinh dưới các hình thức mềm dẻo, linh hoạt và đa dạng thông qua các hoạt động ngoại khóa.
Ở nhiều nước, các em học sinh được dạy về giới tính từ rất nhỏ. Trong các trường học, có những phòng về SKSS rất hấp dẫn, giờ nghỉ các em có thể vào đó xem tranh ảnh, mô hình, đọc tài liệu, tìm hiểu thông tin. Khi cần thiết có thể gặp cán bộ phụ trách để được tư vấn, giải đáp những thắc mắc tuổi mới lớn… Nhưng ở nhà trường của ta, việc dạy SKSS, giáo dục giới tính cho học sinh, sinh viên vẫn chưa được chú trọng đúng mức, chỉ lồng ghép vào các môn học (Giáo dục công dân, Sinh học). Sách giáo khoa thì thiếu hấp dẫn, nhiều chữ với vài hình vẽ về giải phẫu. Một số trường cũng mời chuyên gia về nói chuyện về giới tính cho học sinh, sinh viên, nhưng cũng chỉ là “cưỡi ngựa, xem hoa”, càng gợi trí tò mò nguy hại vì thiếu hiểu biết đầy đủ. Kết quả là nhiều trẻ vị thành niên vẫn không thực sự hiểu về nguy cơ lây bệnh qua đường tình dục, tai biến sau nạo phá thai, cách phòng tránh thai hoặc thế nào là quan hệ tình dục an toàn…
Trong năm 2020 Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Bình Phước đã phối kết hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tổ chức được 35 buổi sinh hoạt ngoại khóa và các Hội thi Tìm hiểu về SKSS/VTN cho học sinh các trường phổ thông, cấp 2 - 3 trên địa bàn toàn tỉnh.
Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên thanh niên, nếu không được cung cấp kiến thức đầy đủ về lứa tuổi này sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống, việc học hành, có khả năng ảnh hưởng đến cả tương lai sự nghiệp của các em, đến chất lượng dân số của toàn xã hội. Tuy nhiên, trẻ em ngày nay, nhất là trẻ vị thành niên có điều kiện tiếp xúc rất sớm với thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng và nhiều nguồn thông tin khác. Vì thế, dù người lớn có muốn hay không muốn thì các em cũng đã được cung cấp một số kiến thức nhất định về giới tính và sức khỏe sinh sản, tuy nhiên kiến thức này có thể chưa đầy đủ, chưa đúng đắn vì còn tùy thuộc vào chất lượng nguồn thông tin mà các em tiếp cận được. Như vậy, công tác giáo dục về giới tính và sức khỏe sinh sản là hết sức cần thiết. Giáo dục cho các em những kiến thức về sự thay đổi thể chất cũng như tinh thần, cảm xúc, những kiến thức về quá trình sinh sản, nghĩa vụ vợ chồng, vai trò làm bố mẹ… chính là sự chuẩn bị tốt nhất cho tương lai khi các em thực sự trưởng thành, trong đó cần chú trọng vào công tác tư vấn về tình yêu – hôn nhân và gia đình, bao gồm cả tư vấn qua điện thoại để trẻ vị thành niên được khuyên nhủ kịp thời. Bên cạnh đó, tổ chức và phát triển nhiều nơi vui chơi lành mạnh, tập luyện thể dục thể thao giúp trẻ vị thành niên có điều kiện vận động và phát triển tốt thể chất, giảm thời gian nhàn rỗi, buồn chán dễ dẫn đến có những suy nghĩ và hành vi tiêu cực. Thực tế không những các em tuổi vị thành niên mà còn cả học sinh trung học cơ sở, tiểu học cũng đã được dậy một số kiến thức về cấu tạo cơ thể, giới tính để chuẩn bị cho quá trình giáo dục về sức khỏe sinh sản sau này. Việc giáo dục các kiến thức chăm sóc sức khỏa sinh sản vị thành niên sẽ hướng các em vào một lối sống lành mạnh, có suy nghĩ, đánh giá, lựa chọn đúng đắn trong tình bạn, tình yêu, chăm lo đến sự phát triển về thể chất và tinh thần, chuẩn bị tốt công tác hướng nghiệp để tạo dựng tương lai vững chắc cho các em.
Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên là một công việc phức tạp và tế nhị, vì vậy đây không phải chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế mà đòi hỏi cả xã hội, các tổ chức chính quyền, đoàn thể, nhà trường và gia đình cùng phải phối hợp thực hiện thì mới đạt được kết quả tốt. Chính điều này sẽ là nền tảng để xây dựng nên những gia đình hạnh phúc, đóng góp vào sự ổn định và phồn vinh của xã hội.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Dịu

Nguồn tin: Chi cục Dân số - KHHGD