Giảm thiểu tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh –vấn đề cần quan tâm

Giảm thiểu tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh –vấn đề cần quan tâm
Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) xảy ra khi số trẻ trai sinh ra còn sống nhiều hơn107 hoặc nhỏ hơn 103 so với 100 trẻ gái sinh ra còn sống. Tại Việt Nam, tỷ số giới tính khi sinh đang có xu hướng ngày càng chênh lệch với tốc độ ngày càng nhanh hơn. Theo điều tra về Dân số và nhà ở năm 1999, Tỷ số giới tính khi sinh là 107 bé trai/100 bé gái, năm 2009 là 110,5, năm 2013 là 113,8. Hiện nay, tỷ số này vẫn dao động quanh 112,2. Cả nước hiện nay có 55/63 tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh cao trên 108/100.
Bình Phước cũng là tỉnh có tình trạng MCBGTKS cao với tốc độ gia tăng ngày càng nhanh chóng và diễn biến phức tạp. Bình quân 111,27 trẻ trai/100 trẻ gái (năm 2018).
Tình trạng MCBGTKS diễn ra khá nghiêm trọng ở cả thành thị và nông thôn và đang trở thành thách thức lớn đối với không chỉ riêng ngành dân số mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác cho toàn xã hội. Nguồn gốc sâu xa là do tư tưởng trọng nam khinh nữ đã tồn tại lâu đời và đi vào nếp sống của rất nhiều người. Theo quan niệm truyền thống ấy, con trai được coi trọng vì là người kế thừa tài sản, gánh vác việc thờ cúng tổ tiên của gia đình, dòng họ, cũng từ đó vị thế của người phụ nữ bị hạ thấp hơn nam giới. Ở nhiều gia đình, phụ nữ phải chịu áp lực vì không sinh được con trai cho gia đình, dòng tộc. Chính từ những bất bình đẳng giới còn tồn tại trong ý thức và hành động của rất nhiều người dân kể cả tầng lớp cán bộ công chức, viên chức là nguyên nhân sâu xa và cơ bản dẫn đến tình trạng MCBGTKS.
Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, việc lạm dụng những thành tựu của y học để nhận biết giới tính thai nhi là một trong những nguyên nhân khiến cho tỷ số giới tính khi sinh chênh lệch, tác động đến MCBGTKS. Theo kết quả điều tra biến động dân số ngày 01/4/2010 của Tổng cục Thống kê cho thấy: 85% phụ nữ ở thành thị và 72% phụ nữ ở nông thôn đã biết giới tính của con mình trước khi sinh, trong đó 99% biết qua siêu âm, 83% biết khi tuổi thai từ 15 đến 28 tuần. Điều đó cho thấy siêu âm là phương thức phổ biến để chẩn đoán giới tính thai nhi.
MCBGTKS ảnh hưởng tiêu cực đến cấu trúc dân số trong tương lai. Số nam giới dư thừa so với nữ giới sẽ kéo theo nhiều hệ lụy mà cả xã hội phải gánh chịu. Đó là vấn đề cấp bách và vô cùng quan trọng đòi hỏi cần có sự chung tay góp sức hành động của cả xã hội, các cấp các ngành và toàn hệ thống chính trị. Dự báo đến năm 2050 Việt Nam sẽ thiếu khoảng 2,3 – 4,3 triệu phụ nữ đồng nghĩa với việc hàng triệu đàn ông phải sống trong cảnh độc thân. Việc thiếu hụt phụ nữ sẽ kéo theo những hậu quả về mặt xã hội như: nam giới phải đối mặt với việc tìm kiếm bạn đời, gia tăng tỷ lệ người sống độc thân. Việc thừa nam thiếu nữ cũng gây ra những bất ổn cho xã hội, làm gia tăng nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em gái, tăng tệ nạn mại dâm, gia tăng tình trạng bất bình đẳng giới…
Để giảm thiểu tỷ lệ MCBGTKS trên cả nước nói chung và tại tỉnh Bình Phước nói riêng, cần có sự vào cuộc kiên trì và lâu dài của tất cả các ban ngành, đoàn thể. Rõ ràng, nguyên nhân sâu xa và là nguồn căn của việc MCBGTKS bắt nguồn từ tư tưởng ngàn đời nay của người Việt, do vậy để thay đổi được tư tưởng này cũng cần cả một quá trình tuyên truyền, phổ biến, vận động để người dân nhận thấy những hậu quả và hệ lụy của việc MCBGTKS. Tuy nhiên, để thay đổi một ý thức hệ đã ăn sâu vào trong tiềm thức là không hề dễ dàng nhưng “mưa dầm thấm lâu” là biện pháp lâu dài, kiên trì của các cộng tác viên, tuyên truyền viên và các nhà hoạch định chính sách. Các hình thức và nội dung truyền thông cần phong phú, sinh động để phù hợp về trình độ, phong tục tập quán của nhiều đối tượng khác nhau. Cần phát huy vai trò của các nhân vật có ảnh hưởng và tiếng nói trong cộng đồng như già làng, trưởng bản, các chức sắc tôn giáo… trong công tác tuyên truyền, vận động, lồng ghép tuyên truyền trong các buổi họp thôn, ấp, các buổi sinh hoạt cộng đồng, đoàn thể tại địa phương. Các ban ngành đoàn thể ở địa phương, nhất là đoàn thanh niên cũng nên thường xuyên tổ chức những câu lạc bộ sinh hoạt, phổ biến kiến thức về giới tính và giới… dưới hình thức các hội thi tìm hiểu, các buổi giao lưu văn nghệ… để thanh niên có nhiều cơ hội tiếp cận và từng bước có nhận thức đúng đắn. Trong nhà trường, ngoài việc lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa, cần đưa bộ môn giáo dục giới tính, những kiến thức về dân số, bình đẳng giới thành bộ môn chính thức để các em học sinh có nền tảng cơ bản về giới tính và giới. Vì chính các em trong tương lai không xa nữa sẽ là những chủ nhân kế thừa của đất nước.
Bên cạnh đó, các quy định về cấm lựa chọn giới tính thai nhi (Pháp lệnh dân số, Nghị định 104, 114 của Chính phủ, nghị định 146/2013/NĐ-CP…) cần được thực hiện nghiêm minh, triệt để và chặt chẽ hơn nữa ở tất cả các địa phương. Cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để mang tính răn đe và thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.
Mạng lưới truyền thông viên dân số tuyến cơ sở cần được quan tâm duy trì và phát triển cả về chất và lượng. Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ tốt hơn để đảm bảo duy trì tốt lực lượng này hoạt động tích cực và hiệu quả vì chính họ là người gần gũi và hiểu rõ đối tượng của mình hơn ai hết. Muốn vậy, cần có sự đầu tư về kinh phí, tài liệu, các phương tiện truyền thông để họ làm tốt và phát huy hết vai trò của mình. Cũng từ đó, nhân rộng những gương điển hình, những mô hình làm tốt và hiệu quả.
Nhà nước cũng cần có các chính sách ưu tiên, khuyến khích, tuyên dương kịp thời cho những gia đình sinh con một bề là gái theo đúng quy định của pháp luật nuôi dạy con tốt, là tấm gương cho mọi người noi theo.
Thiết nghĩ, để giảm tỷ lệ MCBGTKS là trách nhiệm không chỉ của riêng ngành dân số mà là của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Để đưa tỷ lệ giới tính về mức cân bằng tự nhiên là kết quả không phải ngày một ngày hai mà là quá trình bền bỉ và lâu dài.

Tác giả bài viết: Đỗ Hoa

Nguồn tin: Chi cục Dân số - KHHGD