Gia tăng bạo lực giới đặc biệt với phụ nữ và trẻ em gái

Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua năm 2006 nhưng công tác bình đẳng giới vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng, nhất là trong việc thu hẹp khoảng cách giới để hạn chế bất bình đẳng trên một số lĩnh vực như kinh tế, việc làm, chế độ đãi ngộ, cơ hội thăng tiến... Đặc biệt, vẫn có không ít phụ nữ đang phải chịu đựng việc bạo hành cả về thể xác lẫn tinh thần.
Bạo lực giới đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là vấn đề mang tính toàn cầu và xẩy` ra ở mọi quốc gia, mọi tầng lớp xã hội, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề là nhiều người chưa hình dung rõ về mức độ nghiêm trọng của nó. Điều tra quốc gia về bạo lực gia đình của Tổng cục Thống kê đã cho thấy nhiều số liệu đáng báo động: 58% phụ nữ thừa nhận từng bị một loại hình bạo lực trong đời; mỗi năm có 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em gái; 87% nạn nhân bạo lực gia đình chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công hoặc người có thẩm quyền; 60% phụ nữ bị bạo lực không nắm được Luật phòng chống bạo lực gia đình.
Điều khiến nhiều người phải giật mình là lâu nay ai cũng cho rằng phụ nữ và trẻ em gái có thể tự bảo vệ mình bằng cách hạn chế giao du với người lạ. Thế nhưng thực tế cho thấy có tới 73% thủ phạm bạo lực tình dục là người quen của nạn nhân, trong đó có 10% là cha đẻ, cha dượng. Với vụ bạo lực thân thể, buôn bán người, người xâm hại chính là người thân trong gia đình, người yêu, người quen, thậm chí là người có uy tín,.. Địa điểm xảy ra bạo lực, xâm hại có thể xẩy ra tại nơi được coi là an toàn như trường học, công sở hay chính trong nhà của nạn nhân.
Bạo lực tình dục có thể xảy ra với bất kỳ phụ nữ và trẻ em nào chứ không chỉ với những phụ nữ trẻ, ăn mặc gợi cảm hoặc có cử chỉ hớ hênh như nhiều người vẫn lầm tưởng. Ai cũng biết, bạo lực tình dục dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe thể chất, tinh thần và cả tài chính cho nạn nhân. Nhiều nạn nhân và gia đình đã phải vật lộn với việc thay đổi cuộc sống do phải chuyển nơi sinh sống để tránh bị kỳ thị. Thậm chí, không ít người đã phải tìm đến cái chết để thoát khỏi ám ảnh và bế tắc sau khi bị bạo hành tình dục.
Một quốc gia khỏe mạnh, công bằng, không còn nghèo đói và "không ai bị bỏ lại phía sau" là ước nguyện chính đáng của mỗi con người. Ước vọng đó sẽ sớm trở thành hiện thực nếu mỗi người cùng chung tay vun đắp bằng đầy đủ trách nhiệm và tình yêu thương. Sẽ không có bình đẳng giới nếu không có sự chia sẻ trách nhiệm của nam giới trong công việc gia đình và chấm dứt bạo hành đối với phụ nữ, trẻ em gái. Hãy cùng hành động để thông điệp "Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương" được lan tỏa trong mỗi cá nhân.
Bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới sẽ không có hiệu quả nếu không có sự tham gia tích cực của nam giới, trẻ em trai. Tất cả nam giới và trẻ em trai của Việt Nam cần đứng lên để giải quyết sự bất bình đẳng, bất công và bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái. Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái là vấn đề cần được ưu tiên hàng đầu đối với cả nam giới và phụ nữ. Vì vậy cần có sự phối hợp với các bộ, ngành, địa phương. Tổ chức các hoạt động: đối thoại chính sách với giới trẻ về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành về công tác bình đẳng giới tại một số cơ quan, doanh nghiệp, địa phương; tập huấn cung cấp kiến thức về bình đẳng giới, tập huấn về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới tại các xã, phường có nguy cơ bất bình đẳng giới cao; đưa thông điệp về bình đẳng giới, chống bạo lực trên cơ sở giới vào các trường học và ngày hội thể thao, văn hóa, nghệ thuật tại một số địa phương./.

Tác giả bài viết: Bích Tuyển

Nguồn tin: Chi cục Dân số - KHHGD