Già hóa dân số: Nhìn từ thế giới đến Việt Nam

- Già hóa dân số là một hiện tượng mang tính toàn cầu và là một trong những biến đổi nhân khẩu lớn nhất trên hành tinh hiện nay. Các quốc gia trên thế giới đều đang có sự gia tăng cả về quy mô và tỷ lệ người cao tuổi trong dân số, đặc biệt là những nước đang phát triển.

Cụ thể, năm 2020, thế giới có khoảng 727 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 9,3% tổng dân số thế giới. Con số này sẽ tăng lên hơn gấp đôi vào năm 2050, đạt hơn 1,5 tỷ người cao tuổi, chiếm 16% dân số thế giới. Đến giữa thế kỷ này, trên thế giới, cứ 6 người sẽ có một người trên 65 tuổi.

Năm 2020, Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN đã ký kết Hiệp định thành lập Trung tâm Tuổi già Năng động và Sáng tạo ASEAN (ASEAN Center for Active Ageing and Innovation-ACAI). ACAI có nhiệm vụ chính là hỗ trợ hoạch định và thực thi chính sách về già hóa năng động và sáng tạo thông qua việc cung cấp các thông tin, kiến thức và tăng cường năng lực cho mỗi quốc gia thành viên, cũng như thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN và ASEAN với các đối tác nhằm xây dựng cộng đồng ASEAN già hóa năng động, sáng tạo.

Tháng 7 năm 2021, tại Cuộc họp lần thứ Nhất của Hội đồng ACAI, Hội đồng đã bầu Thái Lan làm Chủ tịch ACAI và Việt Nam là Phó Chủ tịch ACAI với nhiệm kỳ 2 năm, 2021-2023. Dự kiến Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ACAI vào năm 2023-2025.

ASEAN là một cộng đồng có khoảng 634 triệu người, đứng thứ 3 thế giới về quy mô dân số, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. ASEAN hiện có hơn 45 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 7% tổng dân số ASEAN (năm 2019). Con số này được dự báo sẽ tăng lên là 132 triệu người, chiếm 16,7% tổng dân số ASEAN vào năm 2050.

Hiện tại, có bốn quốc gia thành viên ASEAN gồm Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia đang trong giai đoạn già hóa dân số. Tuy nhiên, đến năm 2050, tất cả các quốc gia này sẽ trở thành quốc gia siêu già, trong khi các quốc gia thành viên khác như Indonesia, Campuchia, Philippines, Brunei Darussalam... sẽ đang ở thời kỳ già hóa dân số hay dân số già [UN, Profiles of Ageing 2019].

Về số lượng người cao tuổi (65+ tuổi) trong cộng đồng, Indonesia là quốc gia có đông người cao tuổi nhất với 16,4 triệu người, tiếp đến là Thái Lan với 8,7 triệu người.

Việt Nam bắt đầu giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với số người cao tuổi (65+ tuổi) chiếm 7% tổng dân số. Năm 2020, số người cao tuổi Việt Nam là 7,4 triệu người, chiếm 7,7% tổng dân số. Nhóm dân số cao tuổi của Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên thành 22,3 triệu người cao tuổi, chiếm 20,4% vào năm 2050.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Nếu như các nước phát triển phải mất một thế kỷ hoặc vài thập kỷ để chuyển đổi từ 7% lên 14% dân số ở độ tuổi 65+ như Pháp (115 năm), Thụy Điển (85 năm), Úc (73 năm), Mỹ (69 năm), Canada (65 năm), Anh (45 năm)... Việt Nam chỉ mất 18 năm!

Già hóa dân số: Nhìn từ thế giới đến Việt Nam - Ảnh 2.

Già hóa dân số mang lại cả cơ hội và thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Về cơ hội, già hóa dân số có thể tạo ra các thị trường mới như trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, du lịch với những nhóm khách đặc thù. Già hóa dân số cũng thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, quản lý trong bối cảnh thiếu hụt lực lượng lao động tại một số quốc gia.

Tuy nhiên, già hóa dân số cũng mang đến những thách thức lớn cho sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội, lao động, thiết kế cơ sở hạ tầng... đặc biệt là lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh không lây nhiễm (NCDs), cần điều trị suốt đời như huyết áp, tim mạch, tiểu đường, rối loạn chức năng... Nhất là, đại dịch Covid-19 đang càn quét khắp thế giới, nguy cơ tử vong do Covid-19 ở người cao tuổi cao hơn các nhóm dân số khác, dù có sự khác nhau tại mỗi nước.

Tác giả bài viết: Sưu tầm

Nguồn tin: Theo gia đình net