Gia đình nền tảng của toàn xã hội

Trước biết bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử, trước cơ hội và thách thức của quá trình hội nhập kinh tế và giao thoa văn hóa toàn cầu, gia đình vẫn tồn tại và liên tục phát triển, với những giá trị bất biến như một nền tảng bền vững của xã hội không gì thay thế được. Đề cập đến giá trị của gia đình, Chủ tịch Hồ Chi Minh đã khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình ”.
Thủ tướng Chính phủ ban  hành  Quyết định số 72/TTg ngày 04 tháng 5 năm 2001 đã chọn ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam nhằm đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể, các tổ chức xã hội cùng các gia đình để góp phần từng bước ổn định, củng cố, xây dựng gia đình theo tiêu chí ít con (mỗi cặp vợ chồng có một hoặc hai con), ấm no, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc.
Ngày nay, các giá trị chuẩn mực của gia đình Việt Nam đang bị tác động mạnh mẽ từ nhiều phía. Xu thế “toàn cầu hóa” không chỉ ảnh hưởng vĩ mô trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị... mà còn xâm nhập vào thế giới vi mô của gia đình. Sự lưu thông hàng hóa, sự tràn ngập thông tin thông qua các phương tiện truyền thông kết nối toàn cầu đã len lỏi vào mọi góc cạnh của cuộc sống gia đình.
Sự phát triển của xã hội đã tác động mạnh vào gia đình. Quan hệ truyền thống cùng những giá trị gai đình như quan hệ vợ chồng, cha mẹ, con cái, sự hiếu nghĩa thủy chung cũng đang có những thay đổi mạnh. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, thì có tới 1/3 ông bố cho biết dành cho con cái ít hơn một giờ/ngày. Khoảng 20% ông bố và 7% bà mẹ không có thời gian dành cho con cái. 1/3 bậc bố mẹ khẳng định khó khăn về thời gian là quan trọng nhất. Tức là họ gặp khó khăn về thời gian nhiều nhất để trò chuyện cùng con. Trong đó, các bậc bố mẹ ở thành thị gặp rắc rối này nhiều hơn bố mẹ ở nông thôn. Thời gian ở cạnh con cái eo hẹp là một phần nguyên nhân khiến cho các em ở độ tuổi vị thành niên xa cách bố mẹ. Dần dần các em không còn coi bố mẹ là chỗ dựa tinh thần để chia sẻ những tâm tư tình cảm của mình. Với thực trạng này, nhiều em sẽ không được uốn nắn và dạy dỗ kịp thời nếu có dấu hiệu hư hỏng. Theo các nhà nghiên cứu về gia đình, thiếu sự quan tâm của gia đình là một phần nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ việc trẻ em hư hỏng, hoặc phạm tội trong những năm gần đây. Thực tế ở nhiều nơi đã xảy ra các vụ "manh động" ở lứa tuổi này, như ra đường không chịu đội mũ bảo hiểm, cảnh sát giao thông đuổi thì đâm xe thẳng vào cảnh sát, rồi nhìn đểu, cãi nhau vài câu là có thể gọi bạn bè đến đánh nhau, thậm chí dùng đến mã tấu phang người... theo một kết quả điều tra xã hội học cho chúng ta - những người lớn nhiều điều để suy nghĩ: Trong 40% số trẻ chưa thành niên vi phạm pháp luật được trực tiếp phỏng vấn cho biết, đang sống trong hoàn cảnh gia đình, như: 12% chỉ sống với mẹ, 4% chỉ sống với bố, 3,1% sống với cha mẹ kế, còn lại sống với người khác. Trong số người chưa thành niên vi phạm pháp luật có tới 17% là những trẻ lang thang, vô gia cư. Đáng chú ý là hơn 71% số trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật trả lời rằng, "không nhận được sự quan tâm, chăm sóc đầy đủ của cha mẹ và gia đình".
Điều đáng buồn là, gia đình lẽ ra phải là một nơi đầy tình thương yêu, an toàn và hạnh phúc. Nhưng đối với không ít người, gia đình lại là nơi phát sinh sự sợ hãi, đau đớn và khổ sở. Đó là những đứa trẻ lớn lên trong những gia đình có bố nghiện ngập, rượu chè, luôn bạo hành với các thành viên trong nhà. Theo một thống kê cho thấy, bạo lực gia đình để lại những hậu quả hết sức tiêu cực: 89% gây tổn thương về tâm lý, tinh thần, 90% gây tan vỡ gia đình; 91% ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em, gây mất niềm tin vào gia đình, dẫn đến trẻ chán học, dễ sa ngã vào tệ nạn xã hội, hoặc có hành vi vi phạm pháp luật. Tính cách người con cũng bị ảnh hưởng khi sống trong những gia đình phụ nữ chịu sự bạo hành của chồng, mà hầu hết những lần lăng mạ, đánh đập đều diễn ra trước mặt con cái. Nhiều nghiên cứu cho thấy, hầu hết những đứa trẻ sống trong môi trường gia đình bạo lực có những biểu hiện tâm lý khác thường so với những đứa trẻ khác.
Nếu như cha mẹ là giá trị rường cột tạo nên gia lễ, gia đạo gia phong thì nay việc giáo dục con cái đang được phó mặt cho nhà trường. Đây là một sức ép không nhỏ lên xã hội là manh mối của mọi nguyên nhân tạo ra những rạn nứt trong các mối quan hệ gia đình, khiến vợ chồng ly tán, con cái bị đẩy vào đời sớm. Sự xâm nhập của làn sóng các tệ nạn xã hội, văn hóa đồ trụy đã làm tổn thương đến các giá trị nhân văn, đạo lý truyền thống trong gia đình Việt Nam.
Trong nhịp sống hối hả bộn bề, gia đình phải thực sự là mái ấm yên vui, tràn đầy tình yêu thương, chở che, chia sẻ mọi vui buồn, là nơi xoa dịu những vết thương, ức chế, cả những nỗi đau cô độc khi bị vấp ngã, thất bại trong mỗi bước thăng trầm của cuộc sống. Gia đình là nơi cho ta cảm giác bình yên, tin cậy và sự cân bằng tâm lý.
Trong trào lưu hội nhập và nhất là quá trình “toàn cầu hóa hiện nay”, phải lấy giá trị gia đình làm trung tâm trong mọi giá trị của đời sống văn hóa xã hội, tạo sức mạnh cho toàn xã hội.
“Gia đình Việt Nam chịu tác động nhiều của cơ chế thị trường và toàn cầu hóa nhưng hiện tại vẫn là một giá trị bền vững và có sức sống mạnh mẽ. Nó vẫn là nền tảng, là tế bào của xã hội, là một thiết chế cơ bản của xã hội, là tổ ấm nơi nương tựa quan trọng nhất của mỗi con người”.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Dịu