GIẢI PHÁP CAN THIỆP GIẢM THIỂU MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH TẠI BÌNH PHƯỚC

hình ảnh mang tính minh họa

hình ảnh mang tính minh họa

Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới khẳng định mất cân bằng giới tính khi sinh (GTKS) đang tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng. Vì vậy, để giảm thiểu tỷ số giới tính khi sinh thì bên cạnh các giải pháp của cơ quan chuyên môn thì cũng rất cần có sự chung tay giải quyết của toàn xã hội. Tại Bình Phước, Tỷ số giới tính khi sinh tăng từ 112 bé trai/100 bé gái (năm 2016) lên 112,2 bé trai/100 bé gái (năm 2017); năm 2018, tỷ số này là 112,4 bé trai/100 bé gái.
Tình trạng MCBGTKS đang diễn ra không chỉ ở thị xã, thành phố và cả khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. MCBGTKS có nguồn gốc sâu xa là tình trạng bất bình đẳng giới, quan niệm cũ "trọng nam, khinh nữ" tồn tại và chi phối nếp nghĩ, nếp sống của người Việt cả nghìn năm qua. Tư tưởng lạc hậu này ảnh hưởng nghiêm trọng xã hội và chống lại vấn đề bình đẳng giới. Hậu quả, nam giới sẽ bị dư thừa so với nữ giới trong cùng một thế hệ. Họ có thể phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng khi tìm kiếm bạn đời; sẽ diễn ra tình trạng trì hoãn hôn nhân trong nam giới hoặc gia tăng tỷ lệ sống độc thân. Việc thiếu hụt phụ nữ sẽ tạo ra những hậu quả không nhỏ về mặt xã hội và nhân khẩu học như: Gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm, gia tăng nạn buôn bán phụ nữ và các hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Trẻ em gái gặp các nguy cơ phải kết hôn sớm. Di cư trong nước và quốc tế nhằm mục đích kết hôn cũng có thể gia tăng, dẫn đến bất ổn xã hội. Xu hướng này diễn ra không giống nhau tại các địa bàn trên toàn tỉnh. Để giải quyết tình trạng MCBGTKS là vấn đề cấp bách, quan trọng, cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn dân.
Vấn đề này được Đảng và Nhà nước chỉ đạo cụ thể trong Chiến lược quốc gia về Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 - 2020; Chương trình hành động quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 và các văn bản chính sách, hướng dẫn triển khai thực hiện. Và tại Bình Phước, Chi cục Dân số- KHHGĐ tỉnh  đã triển khai thực hiện một số giải pháp can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh:
Công văn số 2961/UBND- KTXH, ngày 06/10/2016 của UBND tỉnh Bình Phước về việc triển khai thực hiện Nghị định số 39/2015/NĐ-CP của Chính phủ. (Nghị định số 39/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015 của Chính phủ ban hành qui định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số.)
Kế hoạch số 114/KH-UBND, vào ngày 16 tháng 5 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tại tỉnh Bình Phước.
Hằng năm, Chi cục Dân số- KHHGĐ tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức Hội nghị, hội thảo, các buổi nói chuyện chuyên đề về “Mất cân bằng giới tính khi sinh”
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức đầy đủ hiểm họa của MCBGTKS. Tuyên truyền, phổ biến thực hiện nghiêm Pháp lệnh Dân số không chỉ cho người dân mà còn cả cho đội ngũ truyền thông, tư vấn và cung cấp dịch vụ; nghiêm cấm “Lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức”. Hơn nữa, cần phê phán mạnh mẽ những hủ tục, những nhận thức, những thái độ và hành vi biểu hiện trọng nam; tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới; về hậu quả của lựa chọn giới tính thai nhi; nêu gương phụ nữ, gia đình chỉ có con gái thành đạt, hạnh phúc.
Tiếp tục thúc đẩy tiến bộ xã hội, nhất là thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao quyền năng của phụ nữ, tạo điều kiện và cơ hội cho phụ nữ và bé gái được tiếp cận các cơ hội, nguồn lực để có thể không chỉ thụ hưởng một cuộc sống khỏe mạnh mà còn có cơ hội phát triển, đóng góp cho gia đình và xã hội. Mặt khác, cần hoàn thiện chính sách an sinh xã hội, để người cao tuổi nói chung và người cao tuổi có hai con gái yên tâm khi tuổi già, như: chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người cao tuổi; hỗ trợ chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng; giáo dục thái độ mọi người, con trai, cũng như con gái đều có trách nhiệm với cha mẹ một cách bình đẳng...
Tăng cường tuyên truyền vận động các cơ sở y tế, nhất là y tế tư nhân cam kết không tư vấn và cung cấp dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi; xử phạt nghiêm khắc những người vi phạm là giải pháp quan trọng, cần thiết hiện nay.
Bảo đảm cân bằng giới tính theo quy luật sinh sản tự nhiên là cần thiết, nhưng cũng rất nan giải, không thể thành công trong “một sớm, một chiều”.  Chi cục Dân số -Kế hoạch hóa gia đình tỉnh tăng cường công tác phối hợp các ban, ngành liên quan, huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng đẩy mạnh thực thi và giám sát nghiêm minh pháp luật về giải quyết MCBGTKS; tăng cường hiệu quả công tác truyền thông, thay đổi nhận thức của mỗi người dân, quan tâm hơn nữa đến công tác bình đẳng giới..., phấn đấu đạt mục tiêu về tỷ số giới tính khi sinh vào năm 2030.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Dịu