Duy trì mức sinh để ổn định Dân số và Phát triển

Chiến lược dân số được Đảng, Nhà nước ta quan tâm chỉ đạo và triển khai từ nhiều thập kỷ qua và đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Tuy nhiên nó là một đại lượng luôn biến động và rất nhạy cảm trước tác động của các yếu tố khách quan và chủ quan. Công tác dân số là một quá trình liên tục, lâu dài, bền bỉ, phải từng bước kìm hãm, kiểm soát được mức tăng dân số mà quyết định nhất là giảm mức sinh, tiến tới ổn định và đạt mức sinh thay thế.
Duy trì mức sinh để ổn định Dân số và Phát triển
Trước đây, những năm giữa thế kỷ 20, chúng ta thường nghe nói đến bùng  nổ dân số, nghĩa là khi dân số bùng phát sẽ xảy ra rất nhiều hệ lụy, đó là sự nghèo đói, thiếu thốn, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em và con người sẽ trở nên còi cọc, chậm lớn, kém phát triển.
Đã có những thuyết hết sức phản động là của cải làm ra cấp số cộng, con người phát triển theo cấp số nhân và chiến tranh sẽ nổ ra. Tuy nhiên, khi khoa học kỹ thuật phát triển, vận dụng các ngành khoa học kỹ thuật  vào thực tế thì việc áp dụng  những tiến bộ đó vào công tác dân số đã được Việt Nam ta đẩy mạnh.
Dân số Việt Nam 96.908.232, chiếm 1,27% dân số thế giới, đứng thứ 14 thế giới. Chúng ta hãy nhìn lại từ năm 1961 của thế kỷ trước  khi mà số con trung bình của một bà mẹ độ tuổi sinh đẻ đạt đến 6,39 con. Đến cuối thế kỷ (1999) chỉ còn 2,3 con và năm 2006 đã đạt 2,09 con. Nhưng đến năm 2015 số con 2,1 trung bình của một bà mẹ lại bắt đầu duy trì đến năm 2017 2,04 con.
Tương tự mức tăng dân số tự nhiên, khi mà chúng ta còn quyết liệt với công tác Dân số-KHHGĐ thì mức tăng dân số giảm dần, từ năm 1979 -1989 đạt 2,2%. Đến năm 1989 – 1999 xuống còn 1,7%. Đến những năm đầu thế kỷ 21 cụ thể năm 2002 chỉ còn 1,32%.
Khi chúng ta đã đạt được mục tiêu là mức sinh thay thế năm 2015, nghĩa là số cặp vợ chồng bước vào độ tuổi sinh đẻ sẽ bằng số cặp vợ chồng bước ra khỏi độ tuổi sinh đẻ, tỷ suất sinh sản năm 2015 có 15,09 ‰; năm 2017 có 14,53‰.  Mục tiêu của chúng ta là giữ vững ổn định quy mô dân số để phát triển xã hội; cần tập trung vào giảm mức sinh bằng biện pháp KHHGĐ tốt; với chiến lược tăng cường sử dụng các biện pháp tránh thai, đa dạng hóa các biện pháp tránh thai, cung cấp đầy đủ, có chất lượng các dịch vụ CSSKSS gần gủi, tiện lợi, có sẵn. Đầu tư chăm sóc sức khỏe bà mẹ, làm mẹ an toàn; chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh và chăm sóc sức khỏe người già.
Theo điều tra dân số năm 2009, nước ta hiện có gần 86 triệu dân (85.789.573) tăng dân số bình quân từ 1999 đến 2009  là 1,2% trong 1 năm. So với mục tiêu chung cả chặng đường thì chúng ta đã đạt, nhưng từng giai đoạn khác nhau thì có nhiều biến động thất thường, nếu không quyết liệt, nếu buông lỏng thì gia tăng dân số sẽ theo chiều hướng đi lên.
Dân số là thực thể luôn biến động ngoài ý muốn, nó chịu chi phối của nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có yếu tố chủ quan. Ngoài quy luật phát triển chung của sự vật, dân số phụ thuộc nhiều vào chính sách của Đảng, Nhà nước, phụ thuộc trình độ dân trí, tập tục và thói quen các vùng, các dân tộc khác nhau.
Để ổn định được quy mô dân số lâu dài, điều quan trọng là phải nhận rõ được nguyên nhân, những yếu kém và tìm cách khắc phục. Thực hiện chính sách dân số không được chủ quan thỏa mãn khi đã đạt được mục tiêu. Cần đầu tư thỏa đáng cho công tác dân số, nhất là đội ngũ cán bộ làm trực tiếp công tác Dân số - KHHGĐ. Mảng tuyên truyền công tác dân số phải được đẩy mạnh, cung cấp những kiến thức cần thiết cho mọi người dân, nhất là lứa tuổi sinh đẻ. Đẩy mạnh chuyên môn  ngành y tế làm các dịch vụ KHHGĐ chất lượng: gần, tiện lợi, có sẵn để mọi người dân có thể dễ tiếp cận.
Vận động các cặp vợ chồng chỉ sinh 1 đến 2 con và chấp nhận một biện pháp tránh thai có hiệu quả và thích hợp với họ bằng sự hiểu biết tự nguyện lựa chọn của chính họ. Giáo dục khắc phục tư tưởng trọng nam khinh nữ, có nếp có tẻ để vợ chồng không cố gắng bằng mọi biện pháp, bằng mọi giá có được đứa con mà họ mong muốn. Điểm 2, Điều 7 Pháp lệnh dân số đã quy định: “cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức”.
Truyền thống Á Đông thì nam để nối dõi tông đường, chính vì quan niệm hẹp hòi và chưa đúng đó đã làm cho bao nhiêu cặp vợ chồng cứ ráng mãi để được 1 cậu con trai. Nhiều cặp vợ chồng ở nông thôn còn rất trẻ mà đã có 6 đến 7 đứa con. Nếu như đẻ 1 bề mà gái cả họ cứ tiếp tục, chẳng mấy chốc dân số lại tăng vọt.
Việc giáo dục cho người dân có quy mô gia đình nhỏ 1 - 2 con là mục tiêu để cha mẹ khỏe, con cái ngoan, mạnh khỏe, học giỏi, biết vâng lời cha mẹ, ông bà và mọi người để xây dựng một xã hội tương lai phồn thịnh, hạnh phúc. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, thời đại của các loài virus có độc lực cao, con người có khỏe mạnh mới chống chọi được các loại bệnh tật mà nguy hiểm nhất là căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.
Đầu tư cho công tác Dân số - KHHGĐ là đầu tư cho sự phát triển của xã hội. Ổn định dân số bền vững sẽ làm tiền đề xây dựng một xã hội sản xuất ra nhiều của cải, vật chất với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Tác giả bài viết: Xuân Hiệp

Nguồn tin: Chi cục Dân số - KHHGD