Đón em bé chào đời từ người mẹ vô sinh do tắc vòi tử cung

- Mong con suốt 5 năm trời, hôm nay (14/10), đứa con anh Phúc, chị Ninh chờ đợi đã cuộn tròn trong vòng tay anh chị. Trước đó, chị Ninh đươc chẩn đoán vô sinh do tắc vòi tử cung đoạn gần. Năm 2005, vợ chồng chị Nguyễn Thị Ninh (SN 1985) đón con gái đầu lòng bằng phương pháp sinh mổ. Hai vợ chồng người Bắc Giang vì hoàn cảnh khó khăn nên đi xuất khẩu lao động. Đến năm 2015, con gái tròn 10 tuổi, anh chị trở về, muốn sinh thêm con cho mái nhà thêm ấm áp.
Bé trai nặng 3,7kg chào đời khóc to, khoẻ mạnh, sau khi mẹ em chữa thành công vô sinhthứ phát do tắc vòi tử cung

Anh chị cũng từng tìm hiểu các phương pháp thụ tinh ống nghiệm, nhưng làm thụ tinh tốn kém, lần nào biết lần đó, trong khi tài chính có hạn, anh chị vẫn trông chờ một cơ hội khác...

Tháng 9 năm 2018, được người quen mách, anh chị đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương khám. Anh chị được đích thân GS.TS Nguyễn Viết Tiến, khi đó là Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia khám, chỉ định.

Cầm tập hồ sơ bệnh án dày cộp của chị Ninh, đặc biệt là những tấm phim chụp vòi tử cung, buồng trứng... của nữ bệnh nhân, GS Tiến nhận định chị bị tắc vòi tử cung đoạn gần (đoạn kẽ, đoạn eo).

"Các bác sĩ ở nơi khác sẽ chỉ định cho bệnh nhân làm thụ tinh trong ống nghiệm khi phát hiện vợ tôi bị như thế. Nhưng GS Tiến nói với vợ chồng tôi: Nên nong vòi tử cung, có thể mang thai tự nhiên, không chỉ lần này mà cả những lần khác. Nong xong sẽ không phải điều trị gì thêm" - anh Phúc, chồng chị Ninh nhớ lại.

Sau 4 tháng nong vòi tử cung, với chi phí xấp xỉ 20 triệu (hoàn toàn dịch vụ), tháng 2/2019, vợ chồng chị Ninh đón tin vui: Chị đã mang thai tự nhiên.

Hôm nay, 14/10, khi thai đủ 40 tuần, chị Ninh quyết định sinh mổ đón con. Bé trai nặng 3,7kg chào đời khóc to, khoẻ mạnh.

Tại buổi họp báo sau ca mổ bắt thai sáng 14/10, GS.TS Nguyễn Viết Tiến cho hay, tại Việt Nam, tỷ lệ vô sinh do vòi tử cung từ 43-59%, trong đó vô sinh do tắc đoạn gần như chị Ninh trên đây (đoạn kẽ, đoạn eo) từ 15-25%.

Trên thế giới, hiện có ba phương pháp điều trị vô sinh do tắc đoạn gần vòi tử cung: (1): Phương pháp vi phẫu thuật tái tạo lại đoạn gần vòi tử cung; (2) thụ tinh trong ống nghiệm; (3): Nong tắc đoạn gần vòi tử cung qua nội soi.

Hiện nay với sự phát triển của kỹ thuật nội soi, nong vòi tử cung bằng catheter qua soi buồng tử cung kết hợp với nội soi ổ bụng là phương pháp đang được cho là hiệu quả an toàn và có thể áp dụng rộng rãi.

Phương pháp nong tắc đoạn gần vòi tử cung qua nội soi được triển khai tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương từ đầu năm 2017. Bệnh nhân sau nong vòi tử cung sẽ được theo dõi có thai trong vòng 1 năm.

Đến nay, Bệnh viện đã phẫu thuật nong tắc đoạn gần cho 76 bệnh nhân vô sinh do tắc đoạn gần vòi tử cung. Kết quả được đánh giá rất khả quan: Tỷ lệ nong đoạn gần vòi tử cung thành công 68%. Tỷ lệ có thai sau nong vòi tử cung 35%. Tại Mỹ, Úc, tỷ lệ này thấp hơn.

"Rất đáng mừng với tỷ lệ này", GS Tiến nói. Ngoài ra, với những ca có thai sau nong vòi, không có ca nào chửa ngoài dạ con. Đây là kỹ thuật mới, thực hiện như ca nội soi thông thường. Hiện tại Việt Nam chỉ mới có Bệnh viện Phụ sản Trung ương tiến hành, giúp bệnh nhân tiết kiệm chi phí, hiệu quả cao.

Về nguyên nhân gây tắc vòi tử cung, GS Tiến cho rằng có thể do viêm nhiễm, đã từng nạo hút thai hoặc sau mổ lấy thai …


Tác giả bài viết: Sưu tầm

Nguồn tin: Theo gia đình net