DÂN SỐ - KHHGĐ CHUYỂN SANG DÂN SỐ VÀ PHÁT TRIỂN BƯỚC NGOẶT LỚN TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Nếu như trước đây, chính sách Dân số-KHHGĐ, chỉ tập trung vào một nội dung là kế hoạch hóa gia đình với mục tiêu giảm sinh thì nay chính sách dân số mới với sáu nội dung là duy trì mức sinh thay thế, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng cơ cấu dân số vàng, thích ứng với quá trình già hoá dân số, điều chỉnh phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số tức là với phạm vi rộng lớn hơn nhiều. Rõ ràng, đây là một chủ trương mới và rất lớn của Đảng và Nhà nước trong việc chuyển đổi chính sách về Dân số - KHHGĐ trong giai đoạn mới.

Một là:  Nhằm “giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số”, với các nội dung được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6: “Phấn đấu duy trì ổn định vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ lệ giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; duy trì và tận dụng có hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hoá dân số, nâng cao chất lượng dân số, phân bố dân số phù hợp với quá trình phát triển”. Những nội dung này, không gì khác là giải quyết các vấn đề dân số đang đặt ra hiện nay và trong tương lai.

Hai là: Chuyển trọng tâm, chứ không phải là “từ bỏ KHHGĐ” mà KHHGĐ được thực hiện theo phương thức mới. Trong định hướng chính sách dân số mới, “Duy trì mức sinh thay thế” là nội dung đầu tiên. Để số con trung bình của mỗi bà mẹ khoảng 2,0-2,1, đương nhiên phải áp dụng các biện pháp KHHGĐ, tức là không thể “từ bỏ KHHGĐ”. Vấn đề là cần tổ chức KHHGĐ theo phương thức mới. Đó là “giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh còn cao; duy trì kết quả đã đạt được ở những tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế; thực hiện mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp”. Do đó, việc truyền thông, phương thức cung cấp phương tiện, dịch vụ cũng phải khác nhau giữa các địa phương này.

Ba là: Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động về dân số và phát triển. Để xây dựng và thực hiện được chính sách dân số mới mà trọng tâm là “Dân số và phát triển”, trước hết phải đổi mới tư duy về chính sách dân số. Điều này không đơn giản, nhất là khi tư duy DS-KHHGĐ, hơn nửa thế kỷ qua, đã “ăn sâu” trong xã hội, trong mỗi gia đình và từng thôn xóm, bản làng. Một trong những giải pháp then chốt, cần đi trước một bước đó là đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động về dân số và phát triển. Thông điệp truyền thông ngày nay không chỉ xoay quanh KHHGĐ mà cần phủ kín 6 nội dung mà chính sách dân số mới sẽ hướng tới. Đa dạng hóa kênh truyền thông, truyền tải những thông điệp phù hợp tới từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền là yêu cầu cấp bách hiện nay.

Bốn là: Tính đến các yếu tố dân số trong quá trình kế hoạch hóa phát triển. Một trong những giải pháp cơ bản giải quyết mối quan hệ Dân số và Phát triển ở nước ta, như Kết luận số 119-KL/TW ngày 4-1-2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng là:“Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục đưa công tác dân số và phát triển thành một nội dung trọng tâm trong công tác, hoạt động thường kỳ; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về dân số và phát triển vào nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội”. Nói cách khác, đó là tính đến (lồng ghép) yếu tố dân số vào kế hoạch hóa phát triển.

Việc thay đổi này, đáp ứng nhu cầu thực tế của công tác Dân số - KHHGĐ hiện tại, bởi tình trạng dân số trong bối cảnh hiện nay đã hoàn toàn khác với những năm trước. Vì vậy đã đến lúc chúng ta phải đưa ra được giải pháp giải quyết được tất cả vấn đề của dân số hiện nay đó là về quy mô, cơ cấu, phẩn phổ, nâng cao chất lượng dân số và tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay, chứ không phải nói đến dân số là chỉ nói đến kế hoạch hóa gia đình.

Tác giả bài viết: Bích Tuyển

Nguồn tin: Chi cục Dân số - KHHGD