DÂN SỐ BÌNH PHƯỚC 25 NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG

Tỉnh Bình Phước được tái lập và chính thức đi vào hoạt động từ 1/1/ 1997 từ một phần địa giới hành chính của tỉnh Sông Bé. Sau khi tái lập tỉnh còn khó khăn về mọi mặt nhưng do nhận thức rõ tầm quan trọng và luôn coi công tác dân số là một bộ phận của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Để kế thừa và tiếp tục thực hiện chiến lược dân số tỉnh Sông Bé giai đoạn 1996- 2000, UBND tỉnh đã phê duyệt chiến lược dân số giai đoạn 1997-2000, đồng thời ban hành nhiều Quyết định,chỉ thị nhằm thúc đẩy việc thực hiện chương trình dân số trên địa bàn tỉnh. Sau 4 năm thực hiện chiến lược đã đạt được những kết quả nhất định làm hạn chế mức tăng dân số tự nhiên, từng bước ổn định quy mô dân số góp phần và sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tuy nhiên dù mức sinh có giảm nhưng do điểm xuất phát mức sinh khá cao nên ở thời điểm này mức sinh cũng còn xấp xỉ 30%o, tỷ lệ gia tăng dân số ở cả 2 lĩnh vực tự nhiên và cơ học, quy mô dân số ngày càng lớn trong khi Bình Phước Vẫn đang là tỉnh nghèo (Tỷ lệ hộ nghèo, đói chiếm 17%). Năm 2001 Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh Bình Phước được thành lập trên cơ sở sáp nhập 02 cơ quan là Ủy ban DS-KHHGĐ và Ủy ban bảo vệ chăm sóc trẻ em đến năm 2007 Ủy ban Dân số- Gia đình và Trẻ em giải thể và Chi cục Dân số- KHHGĐ được thành lập theo Quyết định 1069/QĐ- UBND ngày 22/5/2008 của UBND tỉnh Bình Phước và muốn duy trì xu thế giảm sinh ổn định và phát triển bền vững, cần phải có chiến lược mới để giải quyết vấn đề rộng hơn cả về quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số và phân bổ dân cư, phát triển dân số. Do vậy UBND tỉnh Bình Phước ban hành quyết định phê duyệt Chiến lược dân số tỉnh Bình phước giai đoạn 2001- 2010; 2010-2020 và giai đoạn 2020- 2030 nhằm giải quyết toàn diện các vấn đề dân số, bằng các biện pháp đồng bộ, cụ thể, có trọng điểm phù hợp với điều kiện của tỉnh.

Công tác Dân số- KHHGĐ/SKSS trong giai đoạn qua chỉ thành công khi có sự chung tay của toàn thể các ban, ngành đoàn thể và nhân dân toàn tỉnh. Vì vậy hàng năm, Uỷ ban nhân dân tỉnh đề ra chỉ tiêu kế hoạch thực hiện công tác DS-KHHGĐ đến từng huyện, thị xã, thành phố. Từ năm 1997 đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo triển khai chiến dịch tăng cường đưa dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến vùng khó khăn, vùng có mức sinh cao, chỉ đạo việc phối hợp của các Sở, ban, nghành, đoàn thể, tổ chức xã hội trong các hoạt động như: Xây dựng mô hình, tổ chức chiến dịch truyền thông, hội thảo, nói chuyện, tọa đàm… Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh (trước đây) và Chi cục Dân số hiện nay đã triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 47/NQ-TW ngày 22/3/2005 của Bộ Chính trị; Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, ngày 12/12/2017, các chương trình hành động của tỉnh; phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội, nhất là các ngành thành viên thực hiện nhiệm vụ, ký kết hợp đồng trách nhiệm trong các hoạt động và công tác điều tra, khảo sát, đánh giá, các hoạt động theo chương trình mục tiêu DS-KHHGĐ/SKSS đề ra.
Nhờ có những định hướng đúng đắn trong việc xây dựng các mục tiêu của chiến lược dân số như: Lấy yếu tố con người làm động lực của sự phát triển, tập trung giải quyết vấn đề quy mô dân số kết hợp với nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn huyện, thị xã, nâng cao nhận thức về dân số và phát triển, kết hợp với việc thực hiện có hiệu quả các dịch vụ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ đến vùng đông dân, vùng đồng bào dân tộc, vùng có mức sinh cao hàng năm, hơn nữa sự nỗ lực không ngừng, của đội ngũ trong ngành DS-KHHGĐ, luôn chủ động phối hợp cùng các ngành có liên quan, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm chuyển đổi hành vi, nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện tốt chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình gắn với việc thực hiện đưa chính sách Dân số kế hoạch hóa gia đình, vào hương ước, quy ước của thôn ấp, có 100% xã, thị trấn đã làm tốt công tác truyền thông, làm chuyển đổi nhận thức, hành vi của người dân về Dân số - kế hoạch hóa gia đình, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong 25 năm qua như sau:
Dân số năm 2020 đạt 1.011.076 người. Đây được xem là quy mô dân số hợp lý và kết quả này có được là thành công rất lớn từ chính sách dân số- KHHGĐ phù hợp trong 25 năm qua.
Mức sinh giảm và đạt với mục tiêu chiến lược đề ra, năm 2001 tỷ xuất sinh 22,66‰ đến năm 2010 giảm xuống còn 20,00‰ và giảm xuống còn 17,49%o năm 2020. Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, giảm từ  3,2 con/phụ nữ (năm 1999), xuống còn 2,3 con /phụ nữ (năm 2009) và năm 2020 giảm còn 2,25 con/phụ nữ. Như vậy tỉnh Bình Phước đã kết thúc giai đoạn chuyển đổi nhân khảu học quan trọng, chuyển từ mức sinh cao sang mức sinh hợp lý và duy trì mức sinh thay thế.
Giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên: Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm hàng năm từ 19,18% (năm 2001), xuống còn 14,76% (năm 2005) và tăng cao trở lại 22,4% năm 2009 do trong giai đoạn này Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em giải thể, công tác dân số xáo trộn và đến năm 2020 giảm còn 10,6%.
Theo Cục Thống kê, dân số Bình Phước cùng với cả nước bước vào giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”. Cơ cấu dân số toàn tỉnh thay đổi tích cực, số lượng và tỷ trọng dân số phụ thuộc ngày càng giảm, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Năm 2020 lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả tỉnh đạt 603,837 người. Lực lượng lao động có sự chuyển dịch từ khu vực nông thôn sang khu vực thành thị tănglên 130.117 người, trong khi ở khu vự nông thôn giảm 473.720 người tạo nên nguồn lao động dồi dào. Tuy nhiên, có dự biến động đáng lo ngại về tỷ số giới tính khi sinh theo hướng tiêu cực là 112,2 trẻ nam/100 trẻ nữ sinh sống (số liệu Tổng cục Dân số).
Chất lượng dân số được cái thiện, người dân tộc thiểu số, nhóm dân cư yếu thế được chăm lo, hỗ trợ tạo điều kiện tiếp cận bình đẳng trong các vấn đề đặc biệt trong CSSKSS/KHHGĐ. Tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng ưu tiên trong cộng đồng được nâng cao như: người già, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, thanh niên và vị thành niên, nhóm người di cư, thanh niên công nhân. Tuổi thọ trung bình tăng từ 73,57 tuổi năm 2015 lên 73,90 tuổi năm 2020. Tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại hàng năm đều tăng năm 52,47% (1997), 71,09% (2009) và tiếp tục tăng 73,4% (2019). Tỷ lệ phát triển dân số  từ 6,08% (năm 1999), xuống còn 2,17% (2010) và 0,85% năm 2020. Với nhận thức sâu sắc nguồn lực con người là yếu tố cơ bản trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Đảng và Nhà nước, những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã thường xuyên quan tâm đến nâng cao chất lượng dân số theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh nhất là việc triển khai thực hiện Đề án Sàng lọc trước sinh, sơ sinh; mô hình, Tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân, giảm tỷ lệ tảo hôn hôn nhân cận huyết, chăm sóc người cao tuổi, chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh đạt được hiệu quả cao.
Với những kết quả đạt được là một thành quả đáng ghi nhận trong việc thực hiện các mục tiêu chiến lượt DS-KHHGĐ và chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) sang dân số và phát triển trong 25 năm qua. Tuy đã đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng công tác dân số vẫn còn những khó khăn, thách thức, hạn chế cần được khắc phục và vượt qua. Việc giải thể Ủy ban Dân số - Gia đình và trẻ em và lập thành Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh vào tháng 22/5/2008 và theo quyết định số 1593/QĐ- SYT ngày 21/6/2018 của Sở Y tế tỉnh Bình Phước, Chi cục Dân số- KHHGĐ có chức năng tham mưu cho Sở Y tế quản lý nhà nước về Dân số- KHHGĐ, bao gồm các lĩnh vực: Quy mô dân số và chất lượng dân số, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ dân số- KHHGĐ, Truyền thông- giáo dục sức khỏe và sức khỏe sinh sản trên địa bàn tỉnh. Gây nên một sự xáo trộn lớn về đội ngũ những người làm công tác DS-KHHGĐ, khiến hoạt động của ngành bị ngưng trệ trong một thời gian. Đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ ở các xã, thị trấn chưa ổn định, theo thông tư 05 của Bộ y tế tính đến nay, đối với cán bộ đủ chuẩn, số cán bộ không đủ chuẩn vẫn chưa được giải quyết chế độ nghỉ việc. Chế độ chính sách đối với cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ chưa được hoàn thiện. Thiếu thốn về kinh phí cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho chuyên môn chưa đáp ứng, chưa đảm bảo cho hoạt động chung của công tác DS-KHHGĐ ở địa phương. Tư tưởng của cán bộ chuyên trách  khi trở thành đội ngũ cán bộ thuộc hệ thống y tế, đã tác động không nhỏ, làm một số bộ phận cán bộ thiếu an tâm công tác, ảnh hưởng tới việc ổn định đội ngũ cán bộ DS-KHHGĐ. Mức sinh rất khác biệt giữa các địa phương trong tỉnh, mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao (112,2 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2020). Nếu không có giải pháp tích cực và quyết liệt thì sự mất cân bằng giới tính này sẽ để lại những hệ lụy nặng nề, gây khó khăn trong việc xây dựng gia đình của thế hệ tương lai và tác động xấu đến trật tự, an ninh xã hội. Chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng, chất lượng dân số còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của nguồn nhân lực trong thời kỳ mới. Công tác truyền thông cải thiện đáng kể tuy nhiên hiệu quả chưa đồng điệu giữa các vùng, địa phương, các đối tượng.
Chính vì vậy, cần phải xây dựng chính sách và có các giải pháp cụ thể trong việc thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Việc điều phối và cung ứng các phương tiện tránh thai chưa thuận lợi; tài liệu truyền thông chưa phù hợp với nội dung mới là dân số và phát triển. Cần phải nhận thức rõ rằng, chuyển trọng tâm công tác dân số từ KHHGĐ sang Dân số và Phát triển không có nghĩa là xem nhẹ công tác KHHGĐ mà đây vẫn là nội dung hết sức quan trọng. Bởi quy mô phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của tỉnh ta vẫn còn rất cao, nhu cầu về cung cấp các dịch vụ về KHHGĐ vẫn rất lớn mà hiện nay chúng ta vẫn chưa đáp ứng được. trong thời gian tới, bên cạnh việc phát triển toàn diện, ngành Dân số vẫn song song tập trung đẩy mạnh tư vấn và cung ứng dịch vụ DS/SKSS/KHHGĐ, đặc biệt là cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Nhiệm vụ giảm sinh đã đạt được mục tiêu nhưng vẫn phải liên tục duy trì. Giai đoạn tiếp theo công tác dân số phải triển khai đồng loạt các vấn đề khác.
Trước những vấn đề mới, thách thức mới, công tác truyền thông vận động xã hội có một vai trò rất lớn. Công tác dân số từ trước đến nay và sau này vẫn là cuộc vận động xã hội rộng lớn, nếu không có sự tham gia của cả hệ thống chính trị thì không thể thành công.
Thời gian tới, ngành Dân số sẽ tập trung truyền thông vào 6 vấn đề chính: (1) Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng; (2) Đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, phấn đấu duy trì cơ cấu tuổi của dân số ở mức hợp lý; (3) Tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước nhanh, bền vững; (4) Thích ứng với già hóa dân số đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; (5) Phân bố dân số hợp lý, đảm bảo hài hòa các quyền và nghĩa vụ của người di cư, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh; (6) Nâng cao chất lượng dân số cả về thế chất, trí tuệ và tinh thần, tạo nền tảng cho sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.
 

Tác giả bài viết: Bích Tuyển

Nguồn tin: Chi cục Dân số - KHHGD