CỘNG TÁC VIÊN ( CTV ) DÂN SỐ MỎI MÒN CHỜ PHỤ CẤP

Hiện phụ cấp của đội ngũ cộng tác viên (CTV) dân số trên địa bàn tỉnh là 150 ngàn đồng/tháng/người, trong đó có 100 ngàn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia và 50 ngàn đồng kinh phí địa phương hỗ trợ thêm. Tuy nhiên, từ đầu năm 2016 đến nay, các CTV dân số vẫn chưa nhận được phụ cấp, mặc dù đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền các cấp.
CHỜ PHỤ CẤP
Xã Tân Thành (Đồng Xoài) có 21 CTV dân số, phụ trách khu dân cư tại 7 ấp. Chị Hoàng Thị Hoa, cán bộ chuyên trách dân số-kế hoạch hóa gia đình(DS-KHHGĐ) xã Tân Thành cho biết: “Nhờ đội ngũ CTV dân số có kinh nghiệm, ít biến động lại nhiệt tình, tâm huyết với công tác nên thời gian qua công tác dân số trên địa bàn xã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, gần đây do giá một số mặt hàng tăng và phụ cấp chậm được trả nên họ có phần nản lòng. Thường CTV dân số nhận thù lao theo quý nhưng năm nay đến thời điểm này họ vẫn chưa nhận được đồng nào”.
Không có phụ cấp nhưng CTV dân số trên địa bàn xã Tân Thành nói riêng và toàn tỉnh nói chung vẫn làm việc, tuy nhiên họ không còn “thiết tha” như trước. Cán bộ chuyên trách dân số-KHHGĐ cấp xã, phường phải thường xuyên động viên, có lúc “ứng” tiền túi để CTV dân số đột xuất mượn khi thiếu tiền xăng xe, rồi lại trừ vào phụ cấp khi có. Tuy không phản ứng nhưng số ít người đã không còn mặn mà với các cuộc họp giao ban hàng tháng hay chấp hành nghiêm túc thời hạn nộp báo cáo. Động lực tham gia công tác xã hội của đội ngũ này ngày càng giảm đi khá rõ.
Bà Bùi Thị Hải Yến, CTV dân số ấp 6 xã Tân Thành đã có thâm niên trong nghề hơn 10 năm. Bà Yến nói: “ Thù lao 150 ngàn đồng/tháng hiện không đủ tiền xăng xe, chưa kể các khoản khác. Những năm trước, công tác dân số sôi động lắm đâu im ắng như bây giờ. Ngoài các chương trình cổ động phong trào thì hằng năm tổ chức chiến dịch truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản, được động viên thiết thức bằng phụ cấp, CTV dân số sẽ có thêm động lực.
Từ tháng 1/2016 đến nay, dù chưa nhận được phụ cấp tháng nào nhưng 19 CTV dân số xã Đăk Ơ, huyện Bù Gia mập vẫn nhiệt tình hoạt động trên địa bàn 12 thôn, ấp. Đã giữa tháng 11 năm 2016 nhưng xã vẫn chưa được cáp kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia về dân số, CTV cơ sở phải bỏ tiền cá nhân để duy trì hoạt động.
Anh Điểu Môn, dân tộc S’Tiêng ở thôn 3, xã Đăk Ơ nói: “Những năm trước, CTV dân số được nhận phụ cấp 100 ngàn đồng/ tháng và kinh phí các chương trình mục tiêu … tổng cộng 400 ngàn đồng/ quý. Từ đầu năm 2016 đến nay, tôi chưa nhận được phụ cáp làn nào nhưng vẫn làm việc vì lợi ích của người dân trong thôn.
Ông Lương Minh Đức, dân tộc tày ở Thôn 3, xã Đăk Ơ cho biết: “Tôi làm CTV dân số 16 năm. Để giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 đối với đồng bào dân tôc thiểu số ở vùng sây , vùng xa rất khó khăn, phí đi từng ngõ, gõ từng nhà với phương châm mưa dầm thấm lâu. Năm nay, không phụ cấp, không kinh phí hoạt động tôi vẫn bỏ tiền túi đi làm vì gián đạon hoạt động, sợ công sức bao năm đổ sông, đổ biển”.
Chị Bùi Thị Hoàng, chuyên trách dân số xã Đăk Ơ trăn trở: Thôn thường cá nhân áp dụng biện pháp triệt sản sẽ được hỗ trợ 500 ngàn đồng và thẻ bảo hiểm y tế trong 2 năm. Năm nay, chúng tôi vận động được 5 ca triệt sản  nhưng phải nợ lại tiền hỗ trợ và thẻ bảo hiểm y tế vì chưa được cấp kinh phí, 2 người trong số đó nhiều lần gây khó khăn và cho rằng chúng tôi ăn chặn tiền hỗ trợ. Lo lắng dư luận bàn tán không hay, sau này khó vận động người dân vùng sâu, vùng xa áp dụng triệt sản, tôi đã dùng tiền cá nhân hỗ trợ 2,4 triệu đồng đối với 2 ca triệt sản (1 ca gồm 500 ngàn đồng và 620 ngàn đồng mua bảo hiểm y tế). Tôi mong muốn ngành bố trí và cấp bù kinh phí hoạt động, phụ cấp CTV dân số để gỡ khó cho hoạt động ở cơ sở.
ĐỘNG VIÊN VÀ CHỜ ĐỢI
Ông Bạch Sỹ Long, Chi cục trưởng Chi cục dân số-KHHGĐ tỉnh cho biết: năm 2016 Chi cục dân số-KHHGĐ chưa nhận kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia lẫn kinh phí hỗ trợ của địa phương nên các khoản chi chưa được thực hiện. Hiện toàn tỉnh có 1.658 CTV dân số đang hoạt động và từ đầu năm đến nay 100% đội ngũ này chưa nhận được phụ cấp. Việc chậm trễ chi trả phụ cấp đã gây khó khăn rất lớn cho việc điều hành,triển khai kế hoạch năm 2016 và gây tâm lí không tốt trong bộ máy Ds-KHHGĐ. Vì vậy, Chi cục đã báo cáo với UBND tỉnh tìm cách giải quyết.
Ngày 03/11/2016, HĐND tỉnh có công văn số 414/HĐND về việc phúc đáp tờ trình số 173/TT-SYT ngày 19/10/2016 của Sở Y tế về việc trình dự thảo Nghị quyết tại kỳ họp cuối năm 2016 của HĐND tỉnh, trong đó đề nghị UBND tỉnh xem xét chỉ đạo Sở Tài chính tiếp tục phân bổ ngân sách cho Sở Y tế thực hiện công tác Ds-KHHGĐ như những năm trước. Qua phản ánh của các huyện, thị trong những đợt giám sát của HĐND tỉnh năm 2016 các nhiệm vụ chi cho công tác DS-KHHGĐ ở các thôn, ấp, xã, huyện chưa được tỉnh phân bổ, trong khi đó tại công văn số 3185/UBND-KTTH ngày 25/10/2016 của UBND tỉnh về việc thỏa thuận dự toán và chuyển nguồn kinh phí giải quyết các nhiệm vụ phát sinh ngoài dự toán thì UBND tỉnh đề nghị thỏa thuận điều chỉnh giảm 2,2 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp DS-KHHGĐ được cân đối trong dự toán năm 2016 theo Quyết định số 1956/QĐ-UBND ngày 15/7/2016.
Công tác DS-KHHGĐ ở tỉnh ta thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực, như tỷ suất sinh hằng năm giảm, số người sử dụng các biện pháp trách thai hiện đại ngày càng tăng, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm….Tuy nhiên, công tác này cũng đang đối mặt với nhiều thách thức như: Tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh, mức sinh, quy mô dân số, vấn đề di dân hiện đều có kết quả thiếu bền vững và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn, khó lướng. Trong khi truyền thông là khâu quan trọng góp phần quyết định sự thánh công của công tác DS-KHHGĐ nhưng kinh phí dành cho truyền thông thời gian qua liên tục bị cắt giảm; chế độ thù lao của đội ngũ CTV dân số thấp nên khó vận động họ gắn bó, nhiệt tình với công việc. Vì vậy đội ngũ CTV dân số trên địa bàn tỉnh đang rất mong có một chính sách mới phù hợp với tính đặc thù công việc, giúp họ có nhiều động lực hơn để cống hiến cho xã hội.

Tác giả bài viết: Sưu tầm

Nguồn tin: Báo Bình Phước