CHĂM SÓC SKSS CHO NGƯỜI DI CƯ Ở CÁC KHU CÔNG NGHIỆP

Di cư từ vùng nông thôn, vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa để tới những nơi tập trung các Khu công nghiệp để tìm việc làm. Thời gian làm việc thường kéo dài từ 7 giờ sáng đến 20 giờ tối, thậm chí đến đêm khuya. Đa phần họ là người trong độ tuổi sinh đẻ nhưng quanh năm vất vả mưu sinh, chắt chiu từng đồng tiền nên chẳng mấy ai quan tâm đến việc tự chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là SKSS.
Buổi nói chuyện chuyên đề CSSKSS cho thanh niên, công nhân tại Công ty Shyang Ying
Hiện nay, hàng năm ở các khu công nghiệp, số lao động nữ xuất hiện khá nhiều, và việc thực hiện việc chăm sóc SKSS/KHHGĐ ở các khu công nghiệp nay chưa thật sự được quan tâm. Phần lớn họ phải sống xa nhà, một trong những khó khăn rất lớn mà họ thường gặp phải là đời sống tinh thần thiếu thốn, gần như không tham gia các hoạt động giải trí và không đến các cơ sở chăm sóc sức khỏe trong suốt thời gian dài.  Dù cuộc sống còn nhiều rủi ro và thiệt thòi nhưng họ cho rằng di cư là một quyết định đúng đắn, giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống ở quê nhà.
Ở các địa bàn có Khu công nghiệp lượng dân di cư đông, việc thực hiện các mục tiêu dân số gặp rất nhiều khó khăn bởi tuyên truyền và thực hiện chính sách DS - KHHGĐ cho dân di cư rất khó đạt hiệu quả. Nguyên nhân là do dân di cư sống trên các địa bàn xã, phường thường ít khi sống ở một địa điểm cố định trong một thời gian dài nên không thể quản lý được. Hơn nữa, các đối tượng dân di cư thường chỉ khai báo tạm trú, tạm vắng với cơ quan công an địa phương, còn cán bộ dân số ở xã, phường không thể nắm hết được, nhất là trong bối cảnh hầu hết các xã, phường đều thiếu cộng tác viên dân số. Chẳng hạn, theo quy định của ngành dân số thì 1 cộng tác viên dân số phụ trách 150 hộ dân, trong khi đó ở những vùng có người di cư đông, thì cộng tác viên dân số phải phụ trách lên gấp đôi.
Gần như họ ít nghe nói tới các bệnh lây qua đường tình dục. Họ lại chưa quan tâm và mong muốn tìm hiểu về các vấn đề SKSS như: dậy thì, có thai ngoài ý muốn, tình dục an toàn... Tâm lý e ngại cản trở họ trao đổi với gia đình và bè bạn. Thậm chí nhiều người trong số họ không muốn được hướng dẫn với lý do là không cần thiết hoặc muốn tự mình tìm hiểu. Vì vậy để tiếp cận được các đối tượng này không phải là điều rể ràng, vì phần lớn thời gian của họ trong các công ty, xí nghiệp. Trong khi đó các chủ doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đúng mức đến sức khoẻ của người lao động. Hoặc có làm nhưng chưa thật sự gắt gao, biện pháp vận động như phát tờ rơi, tư vấn về chăm sóc SKSS chưa thật sự được quan tâm, phần lớn các công nhân tự tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng. Nên các nữ công nhân gặp khó khăn trong việc thực hiện KHHGĐ.
Trên thực tế có những cặp vợ chồng trẻ ở nơi khác vừa chuyển đến sinh sống được 2 tháng đã sinh con thứ 3 mà cán bộ dân số đành... bó tay. Số trường hợp là dân di cư sinh con thứ 3 trở lên cũng không thể thống kê được bởi lẽ rất nhiều cặp vợ chồng di cư mới sinh con nhưng họ không làm giấy khai sinh tại xã đang tạm trú (thường về quê làm khai sinh cho con) nên khó quản lý hành chính. Trong khi đó lực lượng lao động này đem lại tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế xã hội tại địa phương mới, song một mặt nó tạo ra những thách thức lớn trong các vấn đề quản lý về an ninh, trật tự xã hội cũng như làm thay đổi cơ cấu dân số nơi họ nhập cư. Đối tượng dân di cư nhìn chung có trình độ học vấn và chuyên môn, điều kiện sống, sinh hoạt, nhận thức về các kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản... không cao, khả năng cung cấp dịch vụ cho các đối tượng này cũng còn nhiều hạn chế.
Hiện tại, để thực hiện hiệu quả chính sách dân số cho thanh niên, công nhân thì Chi cục Dân số- KHHGĐ tỉnh phối hợp Công đoàn các Công ty tổ chức 03 buổi nói chuyện chuyên đề về sức khỏe sinh sản cho khoảng 600 thanh niên công nhân. Qua đó từng bước nâng cao khả năng hỗ trợ người di cư là thanh niên, công nhân tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản, KHHGĐ.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Dịu

Nguồn tin: Chi cục Dân số - KHHGD