CÁC HÀNH VI BẠO LỰC GIỚI HIỆN NAY

CÁC HÀNH VI BẠO LỰC GIỚI HIỆN NAY
Bạo lực giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là vấn đề nghiêm trọng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đây được coi là trở ngại lớn trong tiến trình xóa bỏ bất bình đẳng. Bạo lực giới là bất kỳ hành động bạo lực nào dựa trên cơ sở giới gây nên những tổn thất về thân thể, tình dục hay tâm lý hoặc tinh thần cho phụ nữ, bao gồm cả sự đe dọa những hành động như sự cưỡng bức hay tước đoạt một cách tùy tiện sự tự do, dù nó xảy ra ở nơi công cộng hay trong cuộc sông riêng tư.
Điều khiến nhiều người phải giật mình là lâu nay ai cũng cho rằng phụ nữ và trẻ em gái có thể tự bảo vệ mình bằng cách hạn chế giao du với người lạ. Thế nhưng thực tế cho thấy có tới 73% thủ phạm bạo lực tình dục là người quen của nạn nhân, trong đó có 10% là cha đẻ, cha dượng. Với vụ bạo lực thân thể, buôn bán người, người xâm hại chính là người thân trong gia đình, người yêu, người quen, thậm chí là người có uy tín,.. Địa điểm xảy ra bạo lực, xâm hại có thể xẩy ra tại nơi được coi là an toàn như trường học, công sở hay chính trong nhà của nạn nhân. Bạo lực giới xảy ra dưới nhiều dạng (hình thức), biểu hiện như: Bạo lực trong gia đình, tảo hôn, ép hôn, mua bán người, lạm dụng tình dục trẻ em, mại dâm cưỡng bức, quấy rối tình dục, nạo phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi, cắt bỏ bộ phận sinh dục.
            Bạo lực tinh thần: là cách thức bạo lực phổ biến nhất và đa dạng nhất nhằm kiểm soát và thống trị phụ nữ, trẻ em về mặt tinh thần. Bạo lực tinh thần cũng là hậu quả của 3 loại bạo lực còn lại, gồm các biểu hiện chửi rủa, lăng mạ, làm phụ nữ nghĩ rằng mình vô dụng, ngu dốt, hoặc xao nhãng, bỏ rơi, cô lập. Những hành động này có thể gây ra tổn thương tinh thần cho người phụ nữ và khiến cho nạn nhân cảm thấy mình là người vô ích và ngu dốt.
Bạo lực thể chất: là hành vi phổ biến, thường xuất hiện sau một giai đoạn đã kiểm soát và áp đặt quyền lực, thống trị người bị bạo lực về tinh thần, gồm các biểu hiện tát, đấm, đá, dùng hung khí, dao, súng để gây thương tổn hoặc giết chết người bị bạo lực.
Bạo lực tình dục: là hành vi rất dễ xảy ra sau khi đã xảy ra bạo lực tinh thần và bạo lực thể chất hoặc xuất hiện độc lập bởi sự gia tăng cấp độ bạo lực và biểu hiện bệnh hoạn của người gây bạo lực với ý định kiểm soát và sỉ nhục cao nhất đối với phụ nữ. Bạo lực tình dục hạ thấp giá trị nhân phẩm của phụ nữ, làm họ cảm thấy như bị hiếp dâm (đau đớn về thể xác, nhục nhã về tinh thần). Gồm các biểu hiện cưỡng ép quan hệ tình dục trái ý muốn, tấn công/ quấy rối tình dục, bắt mang thai, nạo phá thai, ép xem các ấn phẩm đồi trụy, chứng kiến các hành vi tình dục của người khác.
Bạo lực kinh tế: là hành vi nhằm xóa bỏ sự độc lập kinh tế của phụ nữ, bao gồm các hành vi đập phá tài sản, ngăn cản công ăn việc làm; không cho đi làm bắt đóng góp kinh tế quá khả năng; kiểm soát tiền bạc của phụ nữ hoặc chi tiêu của phụ nữ.
Nhằm xóa bỏ bạo lực giới cần có sự tham gia tích cực của nam giới, trẻ em trai, tất cả nam giới và trẻ em trai cần đứng lên để giải quyết sự bất bình đẳng, bất công và bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái. Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái là vấn đề cần được ưu tiên hàng đầu đối với cả nam giới và phụ nữ. Vì vậy cần có sự phối hợp với các bộ, ngành, địa phương. Tổ chức các hoạt động: đối thoại chính sách với giới trẻ về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành về công tác bình đẳng giới tại một số cơ quan, doanh nghiệp, địa phương; tập huấn cung cấp kiến thức về bình đẳng giới, tập huấn về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới tại các xã, phường có nguy cơ bất bình đẳng giới cao; đưa thông điệp về bình đẳng giới, chống bạo lực trên cơ sở giới vào các trường học và ngày hội thể thao, văn hóa, nghệ thuật tại một số địa phương./.

Tác giả bài viết: Bích Tuyển

Nguồn tin: Chi cục Dân số - KHHGD