Bồi dường nghiệp vụ cho cán bộ, CTV dân số tuyến cơ sở

Một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên thành công của công tác DS-KHHGĐ thời gian qua chính là sự hình thành và hoạt động có hiệu quả mạng lưới viên chức dân số và cộng tác viên dân số cơ sở. Với nhiều kinh nghiệm, sự năng động, lòng nhiệt huyết với phương châm “ đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, đội ngũ này đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chính sách về DS - KHHGĐ, góp phần xây dựng phát triển xã hội.
Theo số liệu của Chi cục Dân số- KHHGĐ tỉnh Bình Phước hiện có 111 viên chức DS-KHHGĐ đang làm việc tại Trạm y tế các xã, phường, thị trấn được tuyển dụng và bố trí làm việc tại trạm y tế theo chính sách từ Nghị quyết 06/2010/ NQ-HĐND của HĐND tỉnh; 1.658 cộng tác viên DS - KHHGĐ các thôn, bản, khu phố, cụm dân cư. Đây được xem là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân số và là nhân tố quan trọng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch về công tác DS - KHHGĐ. Chính vì vậy, hằng năm, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh và phòng DS-KHHGĐ thuộc Trung tâm Y tế ở các địa phương luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ viên chức, cộng tác viên dân số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác tại địa phương.
Xác định được tầm quan trọng của việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ ở cơ sở là yếu tố then chốt, quyết định đến việc hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch công tác DS-KHHGĐ hằng năm, nhất là trước những yêu cầu, nhiệm vụ của Nghị quyết 21/NQ-TW về công tác dân số trong tình hình mới, thời gian qua, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, cung cấp thông tin, nói chuyện chuyên đề các học viên là viên chức DS-KHHGĐ các xã, phường, thị trấn và cộng tác viên thôn, bản, khu dân cư trong toàn tỉnh. Nội dung các buổi tập huấn chủ yếu như bồi dưỡng kỹ năng về công tác thống kê dân số; công tác chăm sóc SKSS; các kỹ năng truyền thông, tư vấn, vận động, giáo dục thay đổi hành vi về DS-KHHGĐ, … tại cộng đồng, đặc biệt là cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, giúp họ thay đổi nhận thức, chuyển đổi thái độ hành vi thực hiện công tác dân số.
          Ngoài việc cung cấp các kiến thức về công tác Dân số và Phát triển, KHHGĐ, chăm sóc SKSS; phương pháp truyền thông, vận động người dân thực hiện chính sách dân số ở cơ sở, Chi cục Dân số- KHHGĐ đặc biệt chú trọng triển khai các nội dung, thông tin liên quan về chính sách công tác dân số hiện nay như thông tin, tuyên truyền Nghị quyết 21 về công tác dân số trong tình hình mới, trong đó tập trung nhiều nội dung về vấn đề nâng cao chất lượng dân số như: Sàng lọc trước sinh, sơ sinh; chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh… Qua đó, cung cấp, bổ sung thông tin, kiến thức, kỹ năng giúp cho đội ngũ viên chức, cộng tác viên DS-KHHGĐ tại các địa phương có thể triển khai lồng ghép, tuyên truyền và thực hiện đạt kết quả công tác dân số tại các xã, thị trấn cũng như trên địa bàn.
Bên cạnh nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể và kết quả đạt được của ngành Dân số trong thời gian qua, ghi nhận nhiều sự cố gắng, nỗ lực đến từ đội ngũ làm công tác dân số ở cơ sở thì hiện nay, công tác DS-KHHGĐ ở Bình Phước đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Đó là: Tổ chức bộ máy có nhiều sự thay đổi và chưa ổn định ở các cấp, đặc biệt là ở cấp huyện, xã. Trong khi đó, công tác dân số ngày càng nảy sinh nhiều vấn đề mới cần giải quyết như quy mô dân, cơ cấu dân số thiếu ổn định và có sự khác biệt tại các địa phương, vùng, miền; mức sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tại tỉnh còn ở mức cao; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh còn cao, có chiều hướng tăng trong những năm trở lại đây và chưa được khống chế; chất lượng dân số thấp… Điều này đã cản trở không nhỏ đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong việc triển khai thực hiện công tác DS-KHHGĐ tại địa phương.
Để tiếp tục nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số, đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ công tác DS-KHHGĐ trong giai đoạn hiện nay, lãnh đạo chính quyền các cấp, trong đó, ngành Y tế - Dân số cần tham mưu cấp thẩm quyền sớm ban hành mô hình tổ chức bộ máy phù hợp, ổn định nhằm tạo tâm lý, tư tưởng vững vàng cho đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ cơ sở, tập trung triển khai có hiệu quả nhiệm vụ công tác tại địa phương. Mặt khác, cần có chế độ chính sách, hỗ trợ kịp thời, thỏa đáng đối với đội ngũ làm công tác dân số, trước hết là ưu tiên hỗ trợ cho đội ngũ cộng tác viên dân số thôn, bản, các khu dân cư; đồng thời có chính sách khen thưởng kịp thời đối với những người làm tốt công tác tuyên truyền, vận động về DS-KHHGĐ để khuyến khích họ gắn bó lâu dài với công việc. Góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của công tác DS-KHHGĐ, Chiến lược Dân số và SKSS giai đoạn 2011-2020 và công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng dân số của tỉnh Bình Phước.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Dịu