Bình Phước thực hiện tốt công tác dân số trong tình hình mới.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nghị quyết số 21-NQ/TW) khẳng định: dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự phát triển đất nước. Công tác dân số là nhiệm vụ có tính chiến lược, vừa cấp thiết, vừa lâu dài, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Một trong những quan điểm chỉ đạo quan trọng được Nghị quyết đưa ra là tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) sang dân số và phát triển. Việc chuyển trọng tâm này nhằm giải quyết toàn diện các vấn đề dân số với các nội dung cụ thể: duy trì mức sinh thay thế; giảm mất cân bằng giới tính khi sinh; tận dụng cơ cấu dân số vàng; thích ứng với quá trình già hóa dân số; điều chỉnh phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số.

Trên tinh thần Nghị quyết thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của trung ương, của tỉnh về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trong tình hình mới. Nhờ vậy, nhiều chỉ tiêu, kế hoạch về DS - KHHGĐ đạt và vượt kế hoạch đề ra, góp phần tích cực vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhiều kết quả tích cực thực hiện Nghị quyết 21 về công tác dân số
Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, ngày 12/12/2017, Tỉnh ủy Bình Phước đã kịp thời ban hành kế hoạch 112/KH- TU, ngày 11 tháng 4 năm 2018 thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW. Tỉnh Bình Phước đã và đang triển khai nhiều giải pháp để chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, cơ bản triển khai thành công Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Giai đoạn trước đây, chính sách DS-KHHGĐ của tỉnh Bình Phước chỉ tập trung chủ yếu vào nội dung KHHGĐ với mục tiêu giảm sinh thì nay chuyển sang nhiệm vụ duy trì vững chắc mức sinh thay thế tại vùng thấp, tiếp tục giảm sinh tại vùng khó khăn; khống chế và kiểm soát tốc độ tỷ số giới tính khi sinh; nâng cao chất lượng dân số. Triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách trên, công tác DS - KHHGĐ của tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng.
Tổ chức bộ máy làm công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả và thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, hiệu lực quản lý. Đặc biệt, Sở Y tế phối hợp với Sở Nội vụ sắp xếp lại tổ chức bộ máy trạm y tế xã, trong đó bố trí mỗi trạm y tế có 1 viên chức làm công tác dân số, điều chuyển số viên chức dân số bị dôi dư sang vị trí việc làm khác phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ, đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Tỉnh đã thường xuyên đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số phù hợp với yêu cầu chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức, chuyển biến tâm lý, tập quán của cộng đồng. Nhận thức và hành động của đại bộ phận người dân về chính sách DS-KHHGĐ đã có những chuyển biến tích cực, quy mô gia đình có 2 con được chấp nhận ngày càng rộng rãi; tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại hàng năm đạt hơn 71,6%; hoàn thành mục tiêu giảm sinh hàng năm từ 0,1‰ - 0,2‰; tỷ lệ tăng phát triển dân số là 0,85 %; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đạt 10,6%, giảm 0,7% so với năm 2018.
Mức giảm sinh 19,67%o năm 2016 xuống còn 17,60 năm 2019 và đạt mức sinh thay thế trên phạm vi toàn tỉnh từ năm 2016 ( 2,49 con/phụ nữ) và năm 2019 giảm còn 2,27 con/phụ nữ. Đã khống chế và bước đầu kiểm soát được tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn toàn tỉnh. Tỷ số giới tính khi sinh 111,7 trẻ em nam/100 trẻ em nữ giảm so 0,7% với năm 2018; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm còn 13,2%. Chất lượng cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản từng bước được nâng lên, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu thực hiện KHHGĐ/chăm sóc sức khỏe sinh sản của người dân. Tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc là 46%; tỷ lệ trẻ em mới sinh được sàng lọc là 52% (tăng hơn so với những năm trước). Chương trình “ tăng cường năng lực Y tế công trong lĩnh vực KHHGĐ” đã tổ chức phối hợp giám sát được 87/94 điểm cung cấp dịch vụ và giám sát được 164/167 người cung cấp dịch vụ, tổ chức đặt vòng cho 912.000 cas đạt 133% so với kế hoạch đề ra. Tuổi thọ trung bình tăng từ 73,57 tuổi năm 2015 lên 73,90 tuổi năm 2019. Theo đó, chất lượng cuộc sống, chất lượng dân số về thể chất, tinh thần từng bước được nâng lên; đảm bảo các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ dân số hợp lý góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước.
Nét nổi bật trong công tác chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên, trong những năm qua là Chi cục DS-KHHGĐ Bình Phước đã phối hợp với các trường trung học phổ thông, trường Trung học cơ sở, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, trường Cao đẳng tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa cung cấp kiến thức cho hàng nghìn lượt thanh niên học sinh, sinh viên, giúp các em có đủ nhận thức, kỹ năng với những khó khăn trong cuộc sống. Công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng cũng được triển khai rộng rãi về các chương trình chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc tuổi già, tư vấn, khám sức khỏe, cấp thuốc...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện nay, công tác DS-KHHGĐ của tỉnh còn gặp những khó khăn và thách thức, đó là: kinh phí hỗ trợ cho các chương trình dân số còn hạn chế; một số đề án, kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt nhưng chưa được cấp kinh phí riêng; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh chưa cao; chương trình tiếp thị xã hội, xã hội hóa phương tiện tránh thai chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân; thông tin, số liệu thống kê chuyên điện tử về DS-KHHGĐ vẫn còn sự chênh lệch so với thực tế. Công tác tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cập nhật kiến thức mới về dân số và phát triển cho đội ngũ cộng tác viên  còn hạn chế do thiếu kinh phí.
Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới
Để thực hiện mục tiêu là chủ động duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc người cao tuổi trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới tỉnh Bình Phước tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền về công tác dân số trong tình hình mới, triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết 21-NQ/TW, các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác dân số, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác dân số. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát hỗ trợ các địa phương, đơn vị trong triển khai thực hiện các hoạt động dân số.
Hai là, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số cũng như tăng cường các hoạt động truyền thông chuyển đổi hành vi về DS - KHHGĐ. Triển khai có hiệu quả chương trình hành động, các kế hoạch về việc thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam, Chương trình truyền thông dân số và Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp giữa các vùng, đối tượng đến năm 2030”; Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021-2025 và Đề án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp giai đoạn 2021-2030.
Ba là, nâng cao nhận thức của những người làm công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở về nhiệm vụ công tác dân số trong giai đoạn hiện nay; củng cố, kiện toàn, ổn định tổ chức bộ máy cán bộ làm công tác dân số tuyến xã, thôn bản đảm bảo triển khai hiệu quả công tác dân số trong tình hình mới. Có chính sách đãi ngộ phù hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cộng tác viên ở thôn, tổ dân phố. Tăng cường tổ chức tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên dân số ở cơ sở nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động về chương trình DS-KHHGĐ trong giai đoạn mới.
Bốn là, tăng cường sự phối hợp của các ban ngành, Mặt trận và các tổ chức chính trị- xã hội và của cả cộng đồng trong công tác dân số. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông dân số; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền vận động người dân thực hiện chính sách dân số nhằm làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức, tâm lý, tập quán sinh đẻ trong nhân dân; triển khai và mở rộng các mô hình nâng cao chất lượng dân số phù hợp với điều kiện, đặc thù của huyện miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số đảm bảo hiệu quả và bền vững.
Năm là, phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc xây dựng quy mô gia đình 2 con nhằm tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội để tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, phấn đấu đạt mức sinh thay thế vào năm 2025. Huy động bổ sung nguồn lực để thực hiện tốt nhiệm vụ, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí được cấp từ Trung ương, địa phương, đảm bảo việc chi trả đúng chế độ cho đối tượng được hưởng chính sách dân số.
 


Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Dịu

Nguồn tin: Chi cục Dân số - KHHGD