Báo động thực trạng bộ máy tổ chức cán bộ dân số ở cơ sở
- Thứ sáu - 08/11/2019 14:57
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Lê Văn Hợi, Vụ Trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Dân số cho biết: Hầu hết các Chi cục Dân số đang ổn định mô hình theo Thông tư liên tịch 51/2015/TTLT-BYT-BNV của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, hiện nay có 5 tỉnh đang dưới 10 biên chế là: Kiên Giang, Tây Ninh, Ninh Bình, Sơn La và Vĩnh Phúc. Trong đó, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Sơn La là đơn vị duy nhất có con dấu nhưng không có tài khoản. Ở Kiên Giang thì số cán bộ làm việc ở Chi cục bị điều chuyển để làm công việc khác, còn 6 cán bộ. Được biết, một số địa phương khác đã sử dụng biên chế được giao cho Chi cục DS-KHHGĐ để tuyển dụng cho đơn vị khác.
Với số biên chế dưới 10 người, đặc biệt có nơi chỉ còn 6 người, rõ ràng các Chi cục trên không có được nhân lực cần thiết, tối thiểu cho hoạt động của Chi cục; gây không ít ảnh hưởng đến kết quả hoạt động cũng như các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. Nhất là trong tình hình công tác dân số hiện nay đang rất nhiều vấn đề nóng, đòi hỏi phải đáp ứng được nhiệm vụ, trọng trách lớn mà Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới yêu cầu: Chuyển trọng tâm từ Dân số - kế hoạch hóa gia đình sang Dân số và Phát triển. "Đề nghị các địa phương trên bổ sung, trả lại biên chế, đủ nhân lực cho hoạt động của các Chi cục nói trên", ông Lê Văn Hợi nói.
Không chỉ bị "lấy mất" biên chế cho đơn vị khác khiến số cán bộ của Chi cục không đủ mức bình quân được giao (17 người) như 5 tỉnh nói trên, một số địa phương còn dự định chuyển Chi cục DS-KHHGĐ thành Phòng Dân số trực thuộc Sở Y tế. Điển hình là tỉnh Tây Ninh đã có Quyết định số 27/2019/QĐ-UBND ngày 23/7/2019 có hiệu lực kể từ ngày 2/8/2019, theo đó chuyển Chi cục DS-KHHGĐ thành Phòng Dân số thuộc Sở Y tế. Ngày 21/8/2019, Bộ Y tế đã có công văn 4839/CV-BYT đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh giữ nguyên Chi cục DS-KHHGĐ.
Tỉnh Bình Thuận, Phú Yên cũng đã xây dựng đề án chuyển Chi cục DS-KHHGĐ thành Phòng Dân số thuộc Sở Y tế. Sau khi Bộ Y tế có văn bản gửi UBND tỉnh và các Sở ngành có liên quan đề nghị giữ nguyên hệ thống tổ chức DS-KHHGĐ, đến nay 2 tỉnh trên đã dừng không xây dựng đề án sáp nhập và để Chi cục DS-KHHGĐ là đơn vị độc lập.
Theo các chuyên gia, việc đưa Chi cục DS-KHHGĐ thành một phòng của Sở Y tế là không đúng với Thông tư liên tịch số 51/2015 giữa Bộ Y tế - Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Do đó, trong thời gian tới, cần giữ nguyên Chi cục DS-KHHGĐ thuộc Sở Y tế theo Thông tư liên tịch số 51 trước khi có những quy định mới.
Khó khăn chồng chất
Cuối tháng 10 vừa qua, Đoàn công tác của Bộ Y tế do ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số làm Trưởng đoàn,đã có cuộc làm việc về nội dung kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số từ năm 2016-2019 với 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông.
Tại Lâm Đồng, ông Đinh Đức Thọ, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho hay, về định mức biên chế cấp chi cục, trước đây tỉnh có 18 biên chế, sau khi thực hiện lộ trình tinh giản biên chế, con số được giao cho Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Lâm Đồng là 15 công chức. Tuy nhiên hiện nay tỉnh chỉ mới có 13 công chức.
Lâm Đồng đã thực hiện việc sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ tuyến huyện, thành phố, thị xã về Trung tâm Y tế cùng cấp, thành lập Phòng Kế hoạch – Nghiệp vụ dân số hoặc Phòng Dân số. Tuy nhiên, tỉnh Lâm Đồng chưa có quyết định hướng dẫn chức năng nhiệm vụ hoạt động, chưa thành lập Phòng Dân số như đại đa số các tỉnh, thành khác đã thực hiện. "Sáp nhập rồi, công tác giao ban chuyên môn, cập nhật số liệu thống kê chuyên ngành rất khó", ông Thọ nói. Lâm Đồng có 2.516 cộng tác viên dân số, mức độ biến động hàng năm đội ngũ này lên tới 20-25%. Chính điều này đã gây ra nhiều khó khăn trong công tác, hàng năm tỉnh phải bố trí nguồn kinh phí lớn để đào tạo và đào tạo lại cho nhóm cộng tác viên mới.
Tại Đắk Nông, ThS.BS Nguyễn Xuân Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh cho biết, chủ trương sáp nhập các đơn vị trong công tác y tế, dân số được tỉnh Đắk Nông thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, qua theo dõi, giám sát từ công tác dân số lại nảy sinh một số vấn đề tồn tại, đặc biệt trong công tác tổ chức cán bộ. "Công tác dân số trong tình hình mới được khẳng định bao gồm nhiều vấn đề, nhưng với công tác cán bộ hiện nay, rất nhiều vấn đề tâm tư" – ông Lâm nói.
Tâm lý hoang mang, thiếu ổn định xảy ra ở các cấp từ Chi cục xuống cơ sở. Tại cấp Chi cục, trước đây có 12 biên chế thì hiện nay con số này chỉ còn 10 người. "Số lượng này không đủ để thành lập một đơn vị hành chính theo quy định. Nguy cơ không tồn tại Chi cục Dân số là rất cao", ông Lâm nói. Cũng tại cấp Chi cục, vì không đủ biên chế để bố trí đơn vị cấp phòng nên rất khó khăn trong chỉ đạo công việc. Trước đây, trong Chi cục có 3 phòng chuyên môn thì nay, chỉ có lãnh đạo Chi cục Dân số và các chuyên viên, việc phân công nhiệm vụ gặp nhiều khó khăn.
Đối với cấp huyện, từ tháng 10/2018, 8/8 Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, thị xã tại Đắk Nông đã sáp nhập về Trung tâm Y tế cùng cấp. Trong đó, có 7 đơn vị trở thành Khoa Dân số - Phát triển, 1 đơn vị thành lập Khoa Chăm sóc sức khoẻ sinh sản – Dân số (thị xã Gia Nghĩa). Theo Đề án đưa Trung tâm Dân số về Trung tâm Y tế của Sở Y tế, các đơn vị phải bố trí 5 cán bộ phụ trách công tác dân số nhưng thực tế trong số 8 khoa mới, hầu hết mới có 4 cán bộ làm công tác dân số, cá biệt có địa phương chỉ có 2 cán bộ. Thêm vào đó, trong số 4 cán bộ dân số tại các Khoa (Dân số - Phát triển hay Chăm sóc sức khoẻ sinh sản – Dân số), theo ông Lâm, nếu giữ nguyên nhân lực cũ thì tốt, còn nếu được điều chuyển từ nơi khác đến thì không phù hợp chuyên môn dân số vì họ chưa được đào tạo.
Ở tuyến xã, tại 71 trạm y tế xã, phường bố trí đủ cán bộ chuyên trách dân số. Trong số này, một ít xã điều chuyển cán bộ dân số sang nhiệm vụ khác, bố trí nhân lực mới chưa được đào tạo phụ trách công tác dân số xã thay thế. Ngoài ra, vì thuộc quản lý của Trạm Y tế xã, cán bộ dân số vừa phải trực chuyên môn từ 1-3 ngày/tuần, thời gian dành cho đi cơ sở bị hạn chế, vừa phải đảm nhiệm từ 2-6 chương trình y tế khác (tiêm chủng,...) tại trạm y tế xã.
Với cộng tác viên dân số thôn bản, ông Lâm chia sẻ thực tế, từ 1.126 cộng tác viên dân số thôn, bản của 71 xã, phường, thị trấn, đến nay chỉ còn 787 người. Hầu hết họ là nhân viên y tế thôn bản kiêm thêm công việc dân số với mức hỗ trợ hàng tháng là 70.000 đồng/người. Mức hỗ trợ này quá thấp nên họ không "mặn mà" với công tác dân số cơ sở.
Đề nghị các địa phương ổn định tổ chức bộ máy làm công tác dân số
Chia sẻ với những khó khăn trong công tác tổ chức cán bộ tại 2 tỉnh này, ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số nhấn mạnh, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành (tháng 10/2017) đã chuyển hướng trọng tâm công tác dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển. Nội dung công tác dân số không chỉ tập trung vào quy mô dân số như trước kia mà đã mở rộng ra cả cơ cấu, chất lượng, phân bố dân cư. Với những nhiệm vụ nặng nề như thế, nguồn nhân lực lại đứng trước những thách thức khi liên tục biến động, cắt giảm tại địa phương. Đây là bài toán khó đặt ra cho ngành Y tế, Dân số.
Vì thế, Tổng cục Dân số đề nghị Sở Y tế và các sở, ban, ngành liên quan tại các địa phương tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ hơn nữa để ổn định tổ chức bộ máy, giữ vững phát huy thành quả đã đạt được. Tập trung hơn nữa vào công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ cán bộ làm công tác dân số ở địa phương. Giữ nguyên tổ chức Chi cục DS-KHHGĐ thuộc Sở Y tế theo Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 11/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ về việc "Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Y tế thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh" đến khi có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lại.
Ngoài ra, Tổng cục Dân số cũng đề nghị 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông tuyển dụng đủ số lượng cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ theo vị trí việc làm đã được phê duyệt và tuyển dụng đủ biên chế đã được giao, đúng theo Thông tư của Bộ Y tế quy định. Đối với lực lượng cộng tác viên dân số, Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú dẫn lời Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về việc các địa phương cần phải giữ vững đội ngũ này, bởi đây là lực lượng gần dân, bám dân nhất và là người trực tiếp triển khai tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về dân số.