BÌNH PHƯỚC: TỔNG KẾT 10 NĂM THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ 2013 -2023

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được Quốc Hội thông qua ngày 18/6/2012, ngày 01/5/2013 chính thức Luật này có hiệu lực, bắt đầu áp dụng điều chỉnh, kiểm soát việc kinh doanh, buôn bán và sử dụng thuốc lá đồng thời cũng là công cụ để phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam. Để cụ thể hóa các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bình Phước đã triển khai các hoạt động quan trọng như: xây dựng kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện Luật, ban hành các quy định cụ thể; truyền thông và giáo dục tạo ra một môi trường không khói thuốc; giám sát và đánh giá việc thực hiện Luật ...đây là những hoạt động trọng tâm giúp thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá một cách hiệu quả giúp giảm thiểu tác động xấu của thuốc lá đối với sức khỏe cộng đồng.
BÌNH PHƯỚC: TỔNG KẾT 10 NĂM THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ 2013 -2023

Đối với hoạt động xây dựng kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá: trên cơ sở các văn bản hướng dẫn thực hiện của Chính phủ, Tỉnh Bình Phước đã xây dựng kế hoạch triển khai, ban hành các quy định cụ thể liên quan đến việc kiểm soát và hạn chế việc sử dụng thuốc lá, cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng, phân công đơn vị chủ trì (Sở Y tế chủ trì quản lý và giao Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh làm đầu mối tham mưu, thực thi đảm bảo tuân thủ thực hiện các biện pháp Phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn tỉnh), yêu cầu sự tham gia phối hợp thực hiện của chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh để thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản như “Quyết định thành lập Ban chỉ đạo về Phòng chống tác hại của thuốc lá”, “Quyết định Ban chỉ đạo lồng ghép với nhiệm vụ phòng chống tác hại thuốc lá”... hoạt động này được thực hiện đồng bộ từ tỉnh tới cơ sở. Các văn bản này xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của các tổ chức và cá nhân liên quan, đồng thời lồng ghép nhiệm vụ phòng, chống tác hại của thuốc lá vào các hoạt động chuyên môn khác trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh để đảm bảo hiệu quả trong việc thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá.

Tập trung vào nhiệm vụ quan trọng giúp việc tổ chức thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đạt hiệu quả, Ban chỉ đạo phòng chống tác hại của thuốc lá tỉnh Bình Phước cùng Ngành Y tế đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông và giáo dục để xây dựng môi trường không khói thuốc như: “Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình sản xuất và phát sóng 19 phóng sự truyền hình và 187 thông điệp; tuyên truyền trên báo in, báo điện tử, mạng xã hội, website 70 bài, trên bản tin y tế của ngành 16 bài; hơn 18.000 lần truyền thông qua Đài truyền thanh xã, phường; truyền thông trực tiếp dưới hình thức hội thi 11 buổi, nói chuyện sức khỏe 22 buổi, 01 lần mít tinh, 09 đợt truyền thông lưu động, 02 buổi hội thảo, 02 lớp tập huấn...; sản xuất và cấp phát tài liệu truyền thông: 5.000 tờ rơi, 10.000 cái mica, 600 tờ áp phích, lắp đặt 187 cái pano tại các đơn vị và trường học, 12 cái pano trên đường phố và tổ chức một cuộc điều tra về phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn tỉnh vào năm 2020...” , những hoạt động này đã góp phần quan trọng vào việc tạo môi trường không khói thuốc và nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá trong cộng đồng cư dân.
Tích cực vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, công ty, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, lắp đặt nhiều biển “cấm hút thuốc lá” ở trụ sở làm việc, tại những điểm dễ nhận thấy trong các trường học, cơ quan, bệnh viện, nơi công cộng...; phân công bộ phận kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Luật, nhắc nhở người đến liên hệ công tác không hút thuốc lá trong khuôn viên của đơn vị. Ngoài ra, phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nghiêm quy định cấm bán thuốc lá phía ngoài cổng trường học. Giải pháp để nâng cao nhận thức cho các em học sinh là cố gắng đưa nội dung phòng, chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm của trường một cách đồng bộ. “Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bình Phước, đã thiết lập tổng cộng 531 địa điểm thực hiện quy định về các khu vực cấm hút thuốc lá và nơi dành riêng cho người hút thuốc lá, các địa điểm này bao gồm: Cơ sở y tế (Bệnh viện, Trung tâm y tế, Trạm y tế, phòng khám tư nhân…) 126 địa điểm. Trường học (mầm non, tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông; trường liên cấp; trung tâm Giáo dục thường xuyên) 403 địa điểm. Trường cao đẳng, đại học, học viện 2 địa điểm” . 
Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá từ năm 2013 đến 2023, chúng ta đã chứng kiến sự cố gắng nỗ lực của chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan liên quan, các tổ chức xã hội và các nhóm hoạt động vì sức khỏe cộng đồng trên địa bàn tỉnh nên việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã sớm đạt được một số kết quả tích cực: theo kết quả điều tra của Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Bình Phước năm 2020: “tỷ lệ hút thuốc lá ở người trên 15 tuổi là 21,8% (trong đó tỷ lệ hút thuốc hàng ngày là 20,6%, tỷ lệ thỉnh thoảng hút thuốc lá là 1,2%), tỷ lệ không sử dụng thuốc lá là 78,2%; tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại nhiều nơi như: tại nhà, tỷ lệ này là 14,7%, tại nơi làm việc là 30,8%, tại cơ quan nhà nước là 0,1%, tại cơ sở y tế là 25%, tại cơ sở giáo dục là 27,8%, đặc biệt tại nhà hàng, tỷ lệ thụ động lên tới 85,1% và trên phương tiện công cộng cũng là 30,1%...” .
Theo GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết tại Hội thảo ngày 29/5/2023: “tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cả nước năm 2020 là 42,3%” , trong khi đó tỷ lệ này ở tỉnh Bình Phước năm 2020 là 21,8%, như vậy, so với mức trung bình cả nước tỉnh Bình Phước đã sớm đạt được kết quả tích cực về việc thực hiện Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, cho thấy hiệu quả của các biện pháp tuyên truyền, giáo dục sức khỏe và kiểm soát về thuốc lá đang áp dụng.
Tuy nhiên, nhìn chung kết quả này vẫn chưa thể hiện sự ổn định, tỷ lệ người hút thuốc lá vẫn có nguy cơ tăng trở lại nếu chúng ta không tiếp tục duy trì và tăng cường truyền thông rất có thể sẽ khiến người dân lãng quên về nguy cơ và hậu quả của việc hút thuốc lá dẫn đến sự gia tăng trở lại của thói quen này... do đó, cần có sự chú ý và tiếp tục đầu tư để vừa duy trì kết quả vừa tiếp tục làm giảm tỷ lệ hút thuốc, kiểm soát tốt việc hút thuốc lá cũng như nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá, đồng thời theo dõi và đánh giá việc thực hiện Luật một cách chặt chẽ hơn, dựa trên kết quả đánh giá, cơ quan có thẩm quyền cần linh hoạt điều chỉnh chiến lược, cách thức thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tế để đảm bảo sự thành công của việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn tỉnh.
Cuối cùng, yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công của việc tổ chức thực hiện Luật PCTH của thuốc lá, thúc đẩy sớm đạt được mục tiêu: bảo vệ sức khỏe của cộng đồng khỏi tác hại của thuốc lá và xây dựng một môi trường không khói thuốc lành mạnh hơn, đó chính là sự hợp tác và quan tâm của tất cả các bên liên quan như: chính quyền từ Trung ương tới địa phương, các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, sự hợp tác giúp đỡ của các tổ chức quốc tế và của mỗi cá nhân .... chỉ khi mỗi cá nhân, mỗi cơ quan, tổ chức đều nỗ lực cố gắng thì chúng ta mới sớm đạt được mục tiêu của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá./.

Tác giả bài viết: Bạch Thị Hảo

Nguồn tin: Chi cục Dân số - KHHGD