Thế giới 7 tỷ người: Cơ hội và thách thức

Vào ngày 31/10/2011 dân số thế giới đã chạm ngưỡng 7 tỷ người. Đó là cơ hội hay thách thức?… Như chúng ta đã biết quy mô dân số thế giới đạt kỷ lục mới - 7 tỉ người - đây có thể được coi là một thành công của nhân loại: Con người trên toàn thế giới ngày càng sống lâu hơn và nhiều người già, trẻ em vượt qua được bệnh tật, thiên tai… để tiếp tục sống...
Thế giới 7 tỷ người: Cơ hội và thách thức
Liên Hiệp Quốc xem sự kiện thế giới đạt 7 tỷ người là một thành công và chỉ ra những tiến bộ của loài người. Tuổi thọ trung bình của thế giới đã tăng từ 48 tuổi vào những năm đầu thập kỷ 50 (thế kỷ 20) lên khoảng 68 tuổi như hiện tại. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cũng giảm. Trung bình, một người phụ nữ trước đây có khoảng 6 con và con số này hiện tại đã giảm xuống còn 2,5 con. Nguyên nhân một phần là do tăng trưởng kinh tế, phát triển khoa học kỹ thuật và phụ nữ hiện nay được tiếp cận dễ dàng hơn với giáo dục, nguồn thu nhập khá hơn và được chăm sóc sức khỏe sinh sản tốt hơn.
Tuy nhiên, thành tựu này không đồng nghĩa với việc chất lượng cuộc sống tốt hơn và không phải tất cả mọi người đều được hưởng lợi từ nó. Những khác biệt lớn vẫn tiếp tục tồn tại giữa các nước và trong nội bộ mỗi nước. Bất bình đẳng về quyền và cơ hội vẫn tồn tại giữa nam giới, phụ nữ, trẻ em gái, trẻ em trai. Có tới 97% sự tăng trưởng dân số đang diễn ra tại các quốc gia kém phát triển, đặc biệt là khu vực Châu Phi. Khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng gia tăng và chưa bao giờ lại có nhiều người trở nên dễ bị tổn thương với các vấn đề như mất an ninh lương thực, thiếu nước, thiên tai, dịch bệnh đến như vậy. Bên cạnh đó, các nước giàu có và các nước có thu nhập trung bình lại đang lo lắng về tỷ lệ sinh thấp, suy giảm dân số, già hóa dân số.
Thách thức lớn nhất khi dân số tăng mạnh chính là sự thiếu hụt lương thực ở không ít các quốc gia. Quỹ Dân số Thế giới (UNFPA) ước tính, trên thế giới có khoảng 1 tỷ người lâm vào tình trạng thiếu lương thực, có nghĩa là trên hành tinh cứ 7 người sẽ có 1 người thiếu ăn. Vì lương thực thiếu hụt nên giá cả liên tục leo thang kể từ năm 2007 tới nay và vẫn chưa cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt. Theo đánh giá của giới chuyên gia, năm nay, ngũ cốc trên thế giới phải tăng thêm ít nhất 100 triệu tấn để đạt mức 2.300 triệu tấn cho cả năm thì mới có thể duy trì mức cung - cầu vốn đang trong tình trạng bấp bênh. Đáng chú ý, những nơi có tốc độ tăng dân số nhanh nhất lại thuộc về các khu vực nghèo, đất chật người đông. Vì thế, khoảng cách giàu - nghèo vẫn đang có xu hướng giãn rộng. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời gian qua tăng nhanh, số người dồn về sống tại các đô thị ngày càng nhiều dẫn tới mất cân đối về phân bố dân cư. Đồng thời tạo ra nhiều áp lực cho các đô thị (như nhu cầu về nhà ở, điều kiện chăm sóc sức khỏe, trường học, giao thông, ô nhiễm môi trường...). Đó là chưa kể tới tình trạng bạo lực và các tệ nạn xã hội cũng theo đó mà bùng phát.
Tại Việt Nam, mức tăng trưởng dân số đã giảm đáng kể từ 1,7% trong giai đoạn 1989 - 1999 xuống còn 1,2% trong giai đoạn 1999 - 2009. Mặc dù tỷ suất sinh đã giảm dưới mức sinh thay thế, nhưng dân số sẽ tiếp tục tăng khoảng 9 triệu người trong vòng 10 năm tới do đà tăng dân số, thách thức của Việt Nam với những vấn đề liên quan đến đói nghèo, bệnh tật và bình đẳng, phụ nữ và trẻ em gái, thanh niên, giáo dục, sức khỏe sinh sản, môi trường, già hóa dân số và đô thị hóa.
          Tuy nhiên, cùng với những thách thức, sự kiện dân số thế giới 7 tỷ người cũng tạo ra những cơ hội đối với Việt Nam.Việt Nam đã bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng với nhóm dân số trẻ lớn nhất trong lịch sử. Hiện nay, nhóm dân số từ 10 - 24 tuổi chiếm gần 1/3 dân số cả nước. Thời kỳ dân số vàng tiếp tục duy trì, Việt Nam có cơ hội tận dụng nguồn nhân lực dồi dào này bằng việc đảm bảo mọi thanh niên được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, giáo dục và đào tạo. Điều này giúp họ chuẩn bị tốt hơn để có thể đóng góp đáng kể đến tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Mặc dù tuổi thọ nâng lên, nhưng chất lượng dân số vẫn thấp. Dân số Việt Nam hiện đứng hàng thứ 13 trên thế giới, nhưng chỉ số phát triển con người và các chỉ tiêu về chất lượng dân số của Việt Nam chỉ xếp thứ 108/177 nước. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay là khá thấp: 58,2 tuổi, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao, tỷ lệ người tàn tật chiếm gần 6,3% dân số và có tới 1,5% dân số bị thiểu năng thể lực và trí tuệ. Sự chênh lệch giới tính cũng đã ở vào tình trạng báo động. Sự mất cân bằng giới tính nam - nữ khi sinh có xu hướng tăng nhanh.
Thế giới với 7 tỷ người sẽ tạo ra 7 tỷ cơ hội, nhưng cũng có quá nhiều thách thức. Đây cũng là dịp để mỗi quốc gia và cả nhân loại nhìn lại những nỗ lực của mình trong việc kiểm soát phát triển dân số. Việt Nam hưởng ứng mạnh mẽ lời kêu gọi của UNFPA, đồng thời cam kết thực hiện đầy đủ, tích cực những thông điệp chung mà UNFPA đề ra cho các quốc gia trên thế giới. Từ đó, tiếp tục đề xuất các chính sách, giải pháp hữu hiệu để thực hiện mục tiêu dân số và phát triển trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Dịu

Nguồn tin: Chi cục Dân số - KHHGD