Những thuận lợi – khó khăn trong công tác Truyền thông Dân số

Tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh: Bình Phước là một tỉnh miền núi phía Tây của vùng Đông Nam Bộ, phía Đông giáp tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai, phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và Campuchia, phía Nam giáp tỉnh Bình Dương và phía Bắc tỉnh Đắk Nông và Campuchia, tỉnh có diện tích tự nhiên là 6.874,41 km², có đường biên giới với nước bạn Campuchia kéo dài 240 km; dân số 902.440 người (theo số liệu báo cáo thống kê chuyên ngành Dân số/KHHGĐ năm 2010), mật độ dân số trung bình 126 người/km², thu nhập bình quân đầu người khoảng 21 triệu đồng/người/năm; gồm 41 dân tộc anh em (các dân tộc ít người chiếm khoảng 18,47% dân số toàn tỉnh); có 6 tôn giáo (công giáo, tin lành, phật giáo, cao đài, hoà hảo, hồi giáo) chiếm khoảng 28% dân số toàn tỉnh. Tỉnh được tái lập và chính thức đi vào hoạt động từ 01/01/1997. Tuy nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhưng Bình Phước vẫn là một tỉnh nghèo, mặt bằng dân trí thấp; hơn nữa tốc độ tăng dân số nhanh vì tình trạng di dân tự do đến tỉnh diễn ra khá mạnh. Hiện nay tỉnh có 10 huyện, thị (7 huyện, 3 thị xã) với 111 xã, phường, thị trấn; có 6,11% hộ nghèo, 20 xã đặc biệt khó khăn…
Những thuận lợi – khó khăn  trong công tác Truyền thông Dân số
Những thuận lợi, khó khăn trong công tác truyền thông – giáo dục về dân số, SKSS/KHHGĐ.
* Thuận lợi:        
Công tác Dân số-KHHGĐ là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là một trong những vấn đề kinh tế - xã hội hàng đầu của nước ta, là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và của toàn xã hội. Truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi về DS/SKSS/KHHGĐ là một trong những giải pháp quan trọng thực hiện Chiến lược Dân số tỉnh Bình Phước. Thời gian qua công tác truyền thông DS/SKSS/KHHGĐ đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của toàn xã hội trong việc thực hiện KHHGĐ và chăm sóc SKSS, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện mục tiêu giảm sinh và nâng cao chất lượng dân số. Quy mô gia đình nhỏ, ít con ngày càng được chấp nhận rộng rãi; tốc độ gia tăng dân số đã giảm nhiều; tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng tăng; tỷ lệ người dân được hưởng lợi từ các dịch vụ chăm sóc SKSS ngày càng cao, đặc biệt là người dân ở các xã nghèo, các xã vùng sâu, vùng xa thông qua các đợt “Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ SKSS/KHHGĐ đến vùng có mức sinh cao, vùng khó khăn”. Có kết quả đó là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền ngày càng được tăng cường, cụ thể hoá các chỉ tiêu và các giải pháp thực hiện chương trình, coi công tác Dân số-KHHGĐ là nội dung quan trọng của địa phương. Bên cạnh đó đã có sự ủng hộ và phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội từ tỉnh đến thôn, ấp trong việc thực hiện chương trình Dân số - KHHGĐ.
Quyết định số 60/2006/QĐ-UBND ngày 31/05/2006 về việc ban hành chính sách khen thưởng đối với công tác dân số, gia đình và trẻ em trên địa bàn tỉnh Bình Phước cũng đã kịp thời động viên tổ chức, cá nhân làm công tác dân số, tạo được sự đồng thuận cao của nhân dân trong tỉnh.
Năng lực truyền thông tư vấn, người cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ ở các cơ sở Y tế nhà nước được cung cấp kiến thức, kỹ năng truyền thông, tư vấn và thực hiện chuẩn quốc gia về dịch vụ SKSS, phục vụ tốt hơn cho người sử dụng dịch vụ, hiệu quả quản lý chương trình của bộ máy Dân số-KHHGĐ các cấp ngày càng tiến bộ, tinh thần tình nguyện vì cộng đồng của đội ngũ CTV,TTV được thể hiện ngày càng cao. Từng bước khắc phục những rào cản về nhận thức, tâm lý, tập quán sinh đẻ lạc hậu, khác biệt ngôn ngữ đối với các vùng đông dân có mức sinh tăng trở lại, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Tăng cường giám sát, hỗ trợ kỹ thuật, đánh giá các can thiệp truyền thông. Nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng của đội ngũ cán bộ truyền thông DS/SKSS/KHHGĐ.
Tiếp tục trang bị và đầu tư các phương tiện truyền thông cần thiết cho việc triển khai các hoạt động truyền thông ở cơ sở. Tập trung ưu tiên trang bị phù hợp cho các xã nghèo, các xã ở vùng sâu, vùng xa…Điều phối thống nhất việc biên soạn, thử nghiệm sản xuất các loại sản phẩm truyền thông về DS/SKSS/KHHGĐ. Đặc biệt, năm 2009 Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh đã thử nghiệm in tờ rơi tiếng Khơme và băng cassette tiếng Stiêng phục vụ đồng bào dân tộc.
* Khó khăn:
Đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ các cấp còn nhiều bất cập, thường xuyên thay đổi, số mới tuyển dụng chưa đáp ứng được yêu cầu, làm ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác Dân số-KHHGĐ.
Địa bàn dân cư rộng, phân bố không đồng đều, gây rất nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động đối tượng. Hơn nữa kinh phí đầu tư cho công tác Dân số-KHHGĐ còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu hiện nay. Đặc biệt, kinh phí hỗ trợ đội ngũ CTV còn thấp làm cho một bộ phận CTV không mặn mà với công việc, vì vậy đội ngũ này thay đổi thường xuyên gây khó khăn trong quá trình hoạt động cũng như đào tạo.
Đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông còn thiếu về số lượng, năng lực quản lý hạn chế, một số cơ sở thiếu cán bộ chuyên trách truyền thông. Một nửa số cán bộ chuyên trách và cộng tác viên cơ sở còn hạn chế về trình độ học vấn lại thường xuyên thay đổi. Công tác đào tạo và đào tạo lại chưa đáp ứng yêu cầu về kỹ năng tư vấn, giáo dục, vận động, lập kế hoạch, giám sát, đánh giá…
Sản phẩm truyền thông chưa đáp ứng nhu cầu cả về chất lượng và số lượng, chưa phân nhỏ nhóm đối tượng, thiếu các sản phẩm dành cho đồng bào dân tộc ít người, các đối tượng có trình độ văn hoá thấp. Chương trình mới chỉ tập trung vào các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, chưa quan tâm thích đáng tới vị thành niên, thanh niên, nam giới, người cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ và người có uy tín trong cộng đồng.
           Để công tác Dân số- KHHGĐ hoạt động ngày một hiệu quả chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ như: Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong việc thực hiện công tác dân số-KHHGĐ. Tiếp tục quán triệt các nội dung cơ bản của Nghị quyết 47 và các chính sách dân số trong tình hình mới, thực sự coi trọng công tác dân số-KHHGĐ là một nội dung cơ bản của chương trình kinh tế xã hội của địa phương.
          Đổi mới hơn nữa công tác tuyên truyền vận động, cải thiện chất lượng, nội dung và hình thức truyền thông, lồng ghép chương trình dân số với các chương trình phát triển kinh tế, xã hội khác. Phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt cần có những sản phẩm truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng, sản phẩm giành riêng cho đối tượng là đồng bào dân tộc ít người.
          Có chính sách khuyến khích thoả đáng về tinh thần và vật chất đối với đội ngũ làm công tác dân số-KHHGĐ, cộng tác viên dân số ở cơ sở. Tập trung mọi nguồn lực đầu tư, đảm bảo ngân sách nhà nước cho các dự án trong chương trình mục tiêu quốc gia, huy động sự đóng góp của toàn xã hội cho công tác dân số-KHHGĐ và phấn đấu giảm thiểu tỷ lệ sinh con thứ 3 nhằm sớm đạt được mức sinh thay thế của tỉnh trong thời gian sớm nhất
          Biểu dương kịp thời những gương điển hình làm tốt công tác Dân số-KHHGĐ và cần xử lý nghiêm cán bộ, đặc biệt là đảng viên vi phạm chính sách dân số-KHHGĐ.
          Củng cố và hoàn thiện bộ máy làm công tác dân số, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, đặc biệt là cán bộ dân số cấp xã, phường, thị trấn, đảm bảo chất lượng của hệ thống thông tin dân số nhằm quản lý và có dự báo chính xác các chỉ số, chỉ báo dân số. Có chính sách khuyến khích thoả đáng về chế độ cho đội ngũ Cộng tác viên thôn, ấp.
 

Tác giả bài viết: Văn Hậu

Nguồn tin: Chi cục Dân số - KHHGD