Vấn đề gia tăng dân số ở các vùng nông thôn

Ở Việt Nam, đại bộ phận dân cư tập trung sinh sống ở khu vực nông thôn, việc gia tăng dân số ở các vùng nông thôn của Việt Nam hiện đang là vấn đề cần được quan tâm. Trong khi các vùng đô thị việc gia tăng dân số đã dần đi vào ổn định thì tại các vùng nông thôn, vấn đề sinh con thứ 3, thứ 4 thậm chí là nhiều hơn vẫn đang xảy ra.
Cụ thể, năm 2009 tổng tỷ suất sinh ở thành thị là 1,89 con/ phụ nữ trong khi ở nông thôn là 2,2 con, đối tượng sinh tập trung ở độ tuổi từ khoảng 25 - 34 ở thành thị và 20 - 29 ở nông thôn, tập trung ở nhóm có trình độ học vấn thấp. Phụ nữ nông thôn không có nhiều cơ hội để theo học trình độ cao hơn như phụ nữ thành thị nên họ thường kết hôn sớm và sinh con sớm hơn phụ nữ thành thị; tỉ suất sinh thô của thành thị và nông thôn vẫn còn sự khác biệt lớn: khu vực nông thôn là 17,3 trẻ sinh sống/1000 dân và cao hơn so với khu vực thành thị 15,5 trẻ sinh sống/1000 dân. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng dân số tại các vùng nông thôn tăng cao hơn với các khu vực khác, cả chủ quan lẫn khách quan. Trước tiên là do ý thức và nhận thức của người dân tại các vùng này còn khá kém. Nhiều cặp vợ chồng không hề có ý thức về việc phải sinh con như thế nào mà lại tuân theo phong tục tập quán, con cái là của trời cho sinh vài ba đứa cho có anh có em.  
Mặt khác nhiều gia đình vẫn còn duy trì hệ luỵ của suy nghĩ trọng nam khinh nữ, cần sinh con trai để nối dõi tông đường. Chính tư tưởng còn mang nặng hủ tục này đã đẩy gánh nặng sinh đẻ lên vai người phụ nữ. Nhiều người vô tư sinh tiếp con thứ 4, thứ 5 cho đến khi có con trai mới chịu dừng. Chính lý do này khiến cho công tác tuyên truyền vận động thực hiện các chính sách về  Dân số/ kế hoạch hoá gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Song song đó nhận thức về việc sinh ít con để nâng cao chất lượng chăm sóc con cái vẫn còn là khái niệm khá xa lạ với nhiều cặp vợ chồng. So với những cặp vợ chồng ở nông thôn, các cặp vợ chồng ở thành thị được tiếp cận tới các nguồn thông tin dễ dàng hơn, có nhận thức tốt hơn về lợi ích của gia đình ít con và họ cũng rất dễ dàng tiếp cận các cơ sở y tế cung cấp các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình giúp họ tránh mang thai và sinh con ngoài ý muốn.
Một lý do nữa là điều kiện sống ở khu vực thành thị tốt hơn rất nhiều so với khu vực nông thôn, trẻ em ở thành thị được chăm sóc tốt hơn trẻ em nông thôn, dẫn đến tỷ lệ chết sơ sinh và chết trẻ em ở thành thị thấp hơn ở nông thôn góp phần làm giảm nhu cầu sinh thay thế ở khu vực này. Hơn nữa mức độ phụ thuộc của cha mẹ già vào con ở khu vực thành thị thấp hơn so với khu vực nông thôn nên người dân thành thị thường ít có tâm lý sinh con để “trông cậy lúc tuổi già”. Điều này cũng lý giải vì sao mà trẻ em nông thôn thường có chỉ số phát triển kém hơn so với trẻ em tại các đô thị cả về thể chất lẫn đời sống tinh thần. 
Để góp phần thúc đẩy hoạt động tuyên truyền thực hiện kế hoạch hoá gia đình, người ta không chỉ trông chờ vào ngành y tế mà đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, là chỉ tiêu đánh giá thi đua của nhiều ban ngành, đoàn thể như: Hội phụ nữ, hội chữ thập đỏ, đoàn thanh niên, của các Ban chỉ đạo thôn  ấp, khu phố…Các ngân hàng chính sách xã hội còn đưa việc thực hiện kế hoạch hoá gia đình trở thành một tiêu chí để xét cấp vay vốn hỗ trợ phát triển sản xuất...Chính sự tham gia chung của cộng đồng đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân từng bước làm giảm tỷ lệ gia tăng dân số tại khu vực nông thôn, tăng tỉ lệ gia tăng dân số thành thị cụ thể là: dân số thành thị hiện chiếm khoảng 29,6% tổng dân số và trong các năm 1999-2009 tỉ lệ tăng dân số thành thị trung bình là 3,4%/năm. Không những vậy, hiện Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp có đến 70% dân số sống ở vùng nông thôn nên vẫn còn ý nghĩ đẻ con nhiều để thêm nguồn lao động phụ giúp gia đình. 
Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều gia đình “vô tư” sinh nở. Một nguyên nhân khác không kém quan trọng đó là hệ thống các cơ  sở y tế, chăm sóc sức khoẻ sinh sản tại các vùng nông thôn còn rất hạn chế, cơ sở vật chất thì nhỏ hẹp, trang thiết bị thiếu thốn chưa phù hợp với nhu cầu thực tế. Theo các nhân viên kế hoạch hoá gia đình, nhiều người dân còn không biết các biện pháp tránh thai là gì, khi được tuyên truyền và phát cho thì họ đem về cất đó chứ không biết cách sử  dụng thậm chí nhiều người biết sử dụng thì lại ngại không muốn dùng.
Để làm tốt điều này việc cần thiết nhất hiện nay ngoài việc nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống y tế cơ sở, quan trọng hơn cả là thay đổi nhận thức của người dân bằng cách nâng cao hiểu biết của các cặp vợ chồng trong việc sinh đẻ, chăm sóc và nuôi dạy con cái. Có được như vậy mới mong giảm bớt gánh nặng tăng dân số ở vùng nông thôn tạo tiền để giảm áp lực gia tăng dân số trên cả nước./.

Tác giả bài viết: Bích Tuyển

Nguồn tin: Chi cục Dân số - KHHGD