Tiếp cận phổ cập các dịch vụ chăm sóc SKSS ở VN: Triển khai toàn diện và đồng bộ

Tại Việt Nam chưa có một thống kê cụ thể về số phụ nữ gặp khó khăn trong việc không được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS.
Tăng cường và đáp ứng sử dụng các biện pháp tránh thai giúp phụ nữ phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, giảm số ca nạo phá thai, giảm tỷ lệ tử vong và dị tật do biến chứng trong thời gian mang thai, phòng chống HIV/AIDS... Đó chính là những ý nghĩa lớn nhất mà Liên Hợp Quốc mong muốn khi đưa ra thông điệp “Tiếp cận phổ cập các dịch vụ chăm sóc SKSS” vào Ngày Dân số Thế giới 11/7 vừa qua.
 Hoàn toàn có thể ngăn chặn được
Mỗi ngày, trên thế giới có hơn 1.000 phụ nữ chết vì các nguyên nhân liên quan đến mang thai, 99% những cái chết này xảy ra ở các nước đang phát triển. Nguyên nhân là do băng huyết, nạo phá thai không an toàn, cao huyết áp, cuộc đẻ khó và nhiễm trùng. Nhiều người trong số họ không biết cách chữa và phòng tránh nhưng theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, những nỗi đau này hoàn toàn có thể ngăn chặn được nếu phụ nữ được tiếp cận với các dịch vụ KHHGĐ và chỉ mang thai khi nào họ muốn.
Trong năm 2012, ước tính sẽ có 80 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn ở các nước đang phát triển do không sử dụng hoặc sử dụng không thành công biện pháp tránh thai (BPTT) ở những phụ nữ không muốn mang thai sớm. Những trường hợp mang thai ngoài ý muốn này sẽ dẫn đến 30 triệu ca sinh ngoài kế hoạch, 40 triệu trường hợp nạo phá thai và 10 triệu trường hợp sẩy thai. Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, khi tỉ lệ chết mẹ có thể giảm được 30%, có nghĩa là hơn 100.000 bà mẹ và  em gái được cứu sống hàng năm.
Tại Việt Nam chưa có một thống kê cụ thể về số phụ nữ gặp khó khăn trong việc không được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS. Tuy nhiên, những thành công trong công tác DS-KHHGĐ trong vòng 50 năm qua đã thực sự làm nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực sinh sản: Từ việc sinh đẻ tự nhiên, mang tính bản năng sang sinh đẻ chủ động, có kế hoạch; từ việc sinh nhiều con sang sinh ít con; từ việc sinh đẻ chất lượng thấp sang chất lượng cao… Và tất cả những điều đó đều được chứng minh qua những số liệu thống kê.
Đề cập đến vấn đề này, TS Dương Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế cho biết: “Việt Nam đã có những thành tựu to lớn, được thế giới ghi nhận về vấn đề này, các chỉ số liên quan tới sức khỏe bà mẹ và trẻ em của nước ta đều tốt hơn rất nhiều so với các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Tuy nhiên, chúng ta chưa thực sự hài lòng về những kết quả đã đạt được, nhất là còn có sự khác biệt rất lớn giữa các tỉnh, thành phố, giữa thành thị và nông thôn, giữa miền xuôi và miền núi,…”.
 Tăng cường sự đầu tư của Nhà nước
Theo TS Dương Quốc Trọng, mặc dù Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 nhưng nhu cầu về KHHGĐ và các phương tiện tránh thai (PTTT) vẫn tiếp tục gia tăng trong những năm sắp tới. Hàng năm có hơn 13 triệu cặp vợ chồng sử dụng các BPTT.
Do mức sinh giai đoạn trước đây khá cao nên hằng năm số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ vẫn gấp 1,5 lần số phụ nữ bước ra khỏi độ tuổi sinh đẻ và như vậy số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sẽ tiếp tục tăng cao, đạt cực đại vào khoảng những năm 2027 – 2028. Trong những năm tới, dù mức sinh có tiếp tục giảm, dân số Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng mỗi năm gần 1 triệu người và đạt mức cực đại vào giữa thế kỷ này. Kết quả Điều tra Quốc gia về vị thành niên và thanh niên (VTN,TN) Việt Nam (SAVY) lần thứ 2, tỉ lệ sinh hoạt tình dục ở VTN,TN tăng cao cũng khiến cho nhu cầu sử dụng PTTT cũng sẽ tăng lên. “Thực hiện tình dục an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp mang thai ngoài ý muốn sao cho mọi đứa trẻ sinh ra đều được mong muốn” – TS Dương Quốc Trọng nhấn mạnh.
Ở Việt Nam, nguồn kinh phí nhà nước dùng để mua PTTT vẫn còn chiếm một tỷ trọng khá lớn. Trong thời gian tới, sẽ có sự thay đổi lớn về cơ cấu sử dụng các BPTT, trong đó các BPTT phi lâm sàng tạm thời như bao cao su, viên uống tránh thai,… sẽ ngày càng chiếm tỷ trọng lớn. Các dịch vụ SKSS, trong đó có KHHGĐ cần được triển khai một cách toàn diện, đồng bộ.
 Việt Nam vừa bước qua ngưỡng nghèo, trở thành nước có thu nhập trung bình trên thế giới. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các nguồn hỗ trợ PTTT của quốc tế bị cắt giảm (chiếm tỷ trọng trên 80% tổng kinh phí PTTT). Do đó, vấn đề được đặt ra là phải đảm bảo an ninh hàng hóa các PTTT và đáp ứng cung cấp cho những người có khả năng chi trả thông qua kênh thương mại và cung cấp miễn phí cho đối tượng nghèo. Theo người đứng đầu ngành Dân số, Nhà nước cũng đã có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh phí, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận được các dịch vụ KHHGĐ; việc tiếp thị xã hội các PTTT sẽ góp phần đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực DS-KHHGĐ. Và để tiếp cận phổ cập các dịch vụ chăm sóc SKSS tới toàn dân, đòi hỏi cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đầu tư của Nhà nước nhiều hơn nữa cùng với sự nỗ lực của ngành y tế, đặc biệt là các cán bộ trực tiếp chăm sóc SKSS cho nhân dân.

Tác giả bài viết: sưu tầm