Mục tiêu và giải pháp truyền thông chuyển đổi hành vi về DS-KHHGĐ (giai đoạn 2011-2015)

Ngày 13-12-2011, Bộ Y tế đã có quyết định số 4669/QĐ-BYT phê duyệt Chương trình hành động Truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) giai đoạn 2011-2015 với các mục tiêu và giải pháp sau:
 1- Mục tiêu tổng quát:
Đẩy mạnh vận động, giáo dục, truyền thông chuyển đổi hành vi DS-KHHGĐ, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội nhằm chuyển đổi nhận thức, thái độ, thực hiện các hành vi có lợi và bền vững về DS-KHHGĐ, góp phần nâng cao chất lượng dân số, phát huy lợi thế của cơ cấu “dân số vàng”, chủ động điều chỉnh tốc độ tăng dân số và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, đảm bảo thực hiện thành công Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020.
2- Các mục tiêu cụ thể:
a) Mục tiêu 1: Nâng cao nhận thức và thực hành của các nhóm đối tượng về sử dụng dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; không kết hôn sớm và không kết hôn cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Đến năm 2015 đạt được các chỉ báo sau:
+ 90% phụ nữ mang thai nhận được thông tin cơ bản và biết được lợi ích của sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh.
+ 90% thanh niên đăng ký kết hôn nhận được thông tin về tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân.
+ 70% người cao tuổi nhận được thông tin về dịch vụ chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng.
+ 90% người chưa thành niên, thanh niên dân tộc ít người nhận được thông tin và tác hại của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống.
b) Mục tiêu 2: Nâng cao nhận thức về hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh, không thực hiện các hành vi lựa chọn giới tính, góp phần giảm mất cân bằng giới tính khi sinh.
Đến năm 2015 đạt được các chỉ báo sau:
+ 90% các cặp vợ chồng, phụ nữ, nam giới nhận được thông tin về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh.
+ 90% người cung cấp dịch vụ y tế cam kết thực hiện qui định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức.
c) Mục tiêu 3: Nâng cao nhận thức và thực hành của các nhóm đối tượng về thực hiện hiệu quả KHHGĐ, tiếp tục thực hiện gia đình ít con, góp phần duy trì mức sinh hợp lý.
Đến năm 2015 đạt được các chỉ báo sau:
+ 95% các cặp vợ chồng, phụ nữ, nam giới có hiểu biết cơ bản về lợi ích của KHHGĐ và các biện pháp tránh thai.
+ 80% người chưa thành niên và thanh niên nhận được thông tin về dân số, phòng ngừa nhiễm HIV, bình đẳng giới.
+70% người di cư nhận được thông tin về lợi ích của KHHGĐ, các biện pháp tránh thai và tác hại của phá thai.
d) Mục tiêu 4: Tăng cường lồng ghép các yếu tố dân số, phát huy lợi thế cơ cấu “dân số vàng” vào hoạch định chính sách, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Đến năm 2015 đạt được các chỉ báo sau:
+ 100% cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội ban hành chỉ thị, nghị quyết hoặc văn bản hướng dẫn thực hiện lồng ghép các yếu tố dân số, đặc biệt là yếu tố cơ cấu “dân số vàng” vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của ngành.
+ 90% những người có uy tín trong cộng đồng tham gia huy động người dân thực hiện KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số.
3- Giải pháp:
a) Tiến hành công tác truyền thông nhằm chuyển đổi hành vi đối với các nhóm đối tượng tại cộng đồng (bà mẹ mang thai, bà mẹ mới sinh; phụ nữ, nam giới, các cặp vợ chồng; người chưa thành niên, thanh niên; người di cư; người cao tuổi) và người cung cấp dịch vụ y tế.
b) Tiến hành tuyên truyền vận động chính sách và nguồn lực cho công tác DS-KHHGĐ đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền.
c) Tiến hành truyền thông huy động xã hội, tạo sự đồng thuận, ủng hộ các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng, những người có uy tín trong cộng đồng đối với công tác DS-KHHGĐ.
d) Tăng cường quản lý và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ truyền thông DS-KHHGĐ.

Tác giả bài viết: Chi cục Dân số - KHHGĐ

Nguồn tin: Chi cục Dân số - KHHGD