Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại tuyến cơ sở: Muôn nẻo sự... thiếu

Hai bác sĩ điều trị cho 50 bệnh nhân; một bệnh viện đa khoa khu vực chỉ có hai bàn đẻ cũ kỹ và một máy thở CPAP; công suất giường bệnh tuyến tỉnh có khi lên đến 150%...
Câu chuyện về thiếu kinh phí, thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị... là một thực tế từ nhiều năm nay tại các tuyến y tế cơ sở, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sản phụ khoa và nhi khoa.
 Bệnh viện khu vực: Hai bàn đẻ, một máy thở CPAP
Một đêm giữa tháng 6, Bệnh viện đa khoa khu vực (BVĐK KV) Tây Bắc Nghệ An đón chào hai công dân tí hon. Các cháu chào đời với cân nặng chỉ 1.700gr, chỉ hơn nhau 2 tuần thai (34 tuần và 32 tuần), còn chưa kịp đặt tên chính thức. Sinh non tháng, nhẹ cân, ngay lập tức, các cháu được đưa vào phòng điều trị sơ sinh đặc biệt.
22 giờ, các cháu có dấu hiệu suy hô hấp. Làm thế nào đây khi chỉ có một máy thở áp lực dương liên tục cho trẻ sơ sinh (CPAP), bé nào thở và bé nào sẽ không được thở máy – đồng nghĩa với việc nguy cơ ngừng thở và nguy hiểm tính mạng? “Phải cho bé 32 tuần thai thở máy, còn chuyển ngay em bé 34 tuần thai lên BV tỉnh Nghệ An thôi. Người nhà chuẩn bị nhé!” – tiếng BS Lan Anh (Trưởng khoa Nhi BV) vang lên.
Phía ngoài hành lang, dù được người nhà an ủi và xác định tư tưởng nhưng người mẹ trẻ Trương Thị Phương (dân tộc Thái, 20 tuổi) - mẹ bé - vẫn không ngừng tuôn trào nước mắt thương con. Chị nức nở: “Gia đình đang chờ bố cháu về gom tiền từ quê Quế Phong chuyển đến. 110km, không biết con em có sống nổi không? Cháu còn chưa kịp có tên...”. Luôn tay búng vào lòng bàn chân để bệnh nhi “không quên thở”, bác sĩ Lan Anh giàn giụa nước mắt, chị ngậm ngùi: “Lực bất tòng tâm! Giá như bệnh viện có đủ thiết bị chăm sóc trẻ, việc cứu sống em bé là việc làm trong tầm tay”.
Đó không phải là chuyện hiếm với các bác sĩ ở BVĐK KV Tây Bắc tỉnh Nghệ An. Có đồng hành tham gia một ca trực đêm mới thấy nỗi lo toan, vất vả, ngập tràn thấp thỏm của các y bác sĩ nơi đây. Sự bất an đó, một phần cũng là do việc thiếu trầm trọng trang thiết bị cứu chữa. Buồng bệnh chăm sóc sơ sinh tại BV có nhiệm vụ chăm sóc trẻ sơ sinh nhẹ cân, non tháng và sơ sinh bệnh lý. Là buồng chăm sóc trẻ sơ sinh đặc biệt nhưng trang thiết bị hết sức sơ sài với 2 đèn chiếu điều trị vàng da và 1 máy thở CPAP.
BVĐK KV Tây Bắc Nghệ An có quy mô 250 giường bệnh, lãnh đạo bệnh viện cho hay: Trước đây, bệnh viện chỉ phục vụ cho bệnh nhân thuộc huyện Nghĩa Đàn nhưng đến nay phải tiếp nhận thêm bệnh nhân từ 5 huyện khác của tỉnh Nghệ An là: Quế Phong, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ.
5 tháng đầu năm 2012, số sản phụ sinh tại bệnh viện là 1.291 ca. Trong khi đó, theo BS. Dương Văn Trường, Trưởng khoa Sản: “Tại phòng đẻ khoa Sản, chỉ có hai chiếc bàn đẻ, hai bàn khám phụ khoa, được cấp từ cách đây rất lâu, trong đó cũng chỉ có một bàn đẻ đủ tiêu chuẩn. Ngoài ra, cũng chỉ có một máy monitor theo dõi tim thai và cơn co tử cung trong chuyển dạ mới được đầu tư bởi nguồn xã hội hóa do hai máy cũ bị hỏng”. Vậy nên, nếu có hơn một sản phụ cùng chuyển dạ một lúc thì những sản phụ khác sẽ không có máy theo dõi.
 Hai bác sĩ “cõng” 50 sản phụ
Nhân lực, cơ sở vật chất thiếu thốn, áp lực dồn hết lên vai y bác sĩ nơi vùng quê nghèo này. Đối với Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Như Thanh - Thanh Hóa, hiện tượng này đã là “chuyện thường ngày”. BS.Hoàng Thị Huệ - Trưởng khoa Sản cho biết: “Khoa Sản luôn trong tình trạng quá tải. Với 24 giường thực kê mà số bệnh nhân trung bình tại khoa là 45, nhiều khi lên đến 50 nên việc nằm ghép là không thể tránh khỏi”.

Số lượng bệnh nhân đông, cả khoa chỉ có 2 bác sĩ, do vậy, công việc hết sức bận rộn, thời gian làm việc kéo dài không kể giờ giấc. Ngày làm, đêm trực. Vất vả là vậy, nhưng chỉ cần em bé và bà mẹ “khóc to bú tốt” là cả ekip lại cho phép mình “thở phào”.
BVĐK KV Tây Bắc tỉnh Nghệ An cũng trong tình trạng tương tự. Theo BS.Dương Văn Trường - Trưởng khoa Sản thì từ bao lâu nay, công suất giường bệnh tại khoa luôn trong khoảng 130-140%, có lúc đến 150%. Là bệnh viện khu vực nên khoa được “ưu tiên” 5 bác sĩ. Gọi là “ưu tiên” nhưng từng đó vẫn ít, bởi ai nấy đều làm việc hết tốc lực. BS. Lương Thị Thanh Vận – bác sĩ sản khoa BV chia sẻ: “Trung bình một ngày chúng tôi đỡ đẻ đến 10 ca. Nếu tính cả số thai phụ vào viện với các bệnh khác như viêm phần phụ, chửa ngoài dạ con... thì một ngày phải đến 15-16 ca”.
Quá tải bệnh viện, trang thiết bị thiếu thốn, cơ sở chật chội là một thực tế bấy lâu nay tại các cơ sở chăm sóc SKSS. BS. Việt Hà cho biết thêm: “Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đăng tải các ca tử vong mẹ, tử vong sơ sinh. Việc can thiệp quá sâu của người nhà bệnh nhân vào công tác chuyên môn cũng là một áp lực tâm lý cực kỳ lớn đối với các bác sĩ sản khoa”.
Nói thêm về vấn đề đáp ứng các dịch vụ chăm sóc SKSS cho người dân tỉnh Nghệ An, BS. Nguyễn Bá Tân, Giám đốc Trung tâm chăm sóc SKSS tỉnh cho biết: Toàn tỉnh có 20 bệnh viện tuyến huyện nhưng chỉ có 8 bệnh viện có khả năng thành lập khoa phụ sản, còn lại các bác sĩ đa khoa phải làm việc chung, mổ cấp cứu và đỡ đẻ cho khoa sản. Ngay tuyến tỉnh cũng vậy, rất khó khăn. Nghệ An là một tỉnh có địa bàn rộng, dân số đông (hơn 3 triệu dân), số người trong độ tuổi sinh đẻ rất đông (hơn 800.000 người), mỗi năm có hơn 45.000 ca đẻ. Tại khoa Sản bệnh viện tỉnh, chỉ có 25 bác sĩ và 80 giường bệnh. Trung tâm chăm sóc SKSS có 30 giường bệnh và 20 bác sĩ. Cơ sở vật chất và nhân lực như thế là quá ít so với nhu cầu thực tế.

Tác giả bài viết: sưu tầm