Bảo vệ trẻ em trách nhiệm hôm nay và mai sau

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến năm 2010 quy mô dân số nước ta đạt 86,44 triệu người, trong đó trẻ em dưới 16 tuổi khoảng 29,37 triệu, chiếm 34% dân số (hiện nay tỷ trọng trẻ em trong dân số là 28%). Với xu hướng cơ cấu dân số trẻ, sự phát triển của trẻ em càng có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Môi trường sống và phát triển của trẻ em ngày càng được cải thiện hơn, với những giải pháp mạnh mẽ quyết liệt, số lượng trẻ em lang thang, cơ nhỡ đã giảm nhiều. Các hình thức quan tâm, bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được tổ chức tốt như chăm sóc thay thế, mái ấm, nhà mở, nhà tình thương…
trẻ em khuyết tật và tàn tật được giáo dục hoà nhập và giáo dục chuyên biệt. Việc cấp phát thẻ khám,chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi đang mang lại hiệu quả thiết thực thể hiện chính sách  ưu việt của Đảng và Nhà nước với trẻ em. Mặc dù công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em trong những năm qua đã đạt nhiều thành tựu nhưng thách thức đối với vấn đề bảo vệ trẻ em lại đang diễn ra phức tạp trên cả 3 cấp độ: bảo vệ trẻ em đang bị xâm hại, bảo vệ trẻ em có nguy cơ bị xâm hại và bảo vệ trẻ em ở cộng đồng. Số lượng trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh khó khăn và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang ngày càng gia tăng. Sự phân tầng xã hội, sự phân hoá giàu nghèo ngày càng sâu áp lực gia tăng dân số và những yếu tố bất lợi nảy sinh trong quá trình hội nhập quốc tế đang ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ em. Nhiều vấn đề mới xuất hiện với những diễn biến phức tạp khó kiểm soát như trẻ em bị lạm dụng và xâm hại, trẻ em làm trái pháp luật, trẻ nghiện hút, trẻ em bị tai nạn thương tích, buôn bán trẻ em, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/ AIDS có chiều hướng gia tăng…   Mặt trái của những biến đổi về kinh tế, văn hoá và xã hội đã góp phần tạo ra những nguy cơ làm cho trẻ em và người chưa thành niên 16 – 18 tuổi rơi vào hoàn cảnh khó khăn với những diễn biến phức tạp của tình trạng bị sao nhãng, xâm hại, bạo lực và bóc lột sức lao động. Phần lớn trẻ em bị xâm hại là nữ. Tỷ  lệ trẻ vi phạm pháp luật tái phạm còn cao do thiếu sự theo dõi giúp đỡ khi tái hoà nhập trở về gia đình. Ngày càng có nhiều trẻ em trở thành nạn nhân của các vụ ly hôn, không được bố  mẹ và gia  đình bảo vệ, bị ngược đãi, lang thang, không có điều kiện tiếp tục học tập, phát triển, không được chăm sóc sức khoẻ. Tình trạng đánh mắng, xúc phạm trẻ em bị bố mẹ đối xử hà khắc, bị trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình…vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi. Ý kiến và nguyện vọng của các em nhiều khi chưa được lắng nghe, chưa được tôn trọng và đáp ứng. Tai nạn thương tích đang là vấn đề lớn đe doạ cuộc sống và sự phát triển của trẻ em và là một trong những nguyên nhân chính của khoảng 30.000 trẻ em bị tử vong hằng năm.
Để thể hiện sự quan tâm với trẻ em, Tháng hành động Vì trẻ em đã được phát  động với chủ đề “Bảo vệ trẻ em – An toàn hôm nay, bền vững tương lai” và Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 với chủ đề “Thắp sáng tình yêu thương trong mỗi gia  đình”. Thông  điệp “Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng” được đưa ra với hi vọng lay động lương tâm và trách nhiệm của mỗi người chúng ta.Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, tương lai của đất nước. Bảo vệ trẻ em là bảo vệ quyền con người. Chiến lược bảo vệ trẻ em sẽ góp phần trực tiếp vào sự phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, bảo đảm cho thành công chiến lược con người của Đảng và Nhà nước.

Tác giả bài viết: Đặng Thị Nơi

Nguồn tin: Chi cục Dân số - KHHGD