Sức mạnh của từ thiện

Dịch Covid-19 khiến xã hội đảo lộn trên nhiều phương diện đời sống. Nhưng trong khó khăn bộn bề đó cũng thổi bùng lên triệu triệu trái tim ấm áp yêu thương. Chính sự đùm bọc, sẻ chia, tinh thần đoàn kết đã giúp mọi người xích lại gần nhau hơn; ý chí vượt qua khó khăn của đại dịch được nâng lên rõ rệt.

Trong nỗi lo chống dịch, dịch lây lan mỗi ngày thì những thông tin về hành trình từ thiện lại đem tới rất nhiều năng lượng tích cực, lan tỏa sự ấm áp. Lúc này, việc từ thiện đã phát huy đúng nghĩa nhất, vật chất rất cần nhưng tinh thần và tâm lý vững vàng cũng đã được tạo ra từ đây.

Hàng loạt dự án, chương trình từ thiện đã nhanh chóng được triển khai bởi các tổ chức, các cá nhân, nhà hảo tâm đầy nhiệt huyết. “San sẻ yêu thương - Chung tay vượt qua đại dịch”; “Không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Bữa cơm yêu thương mùa Covid-19”; “Bánh mì Sài Gòn 0 đồng”…  là bằng chứng sinh động về tinh thần cống hiến, từ thiện độc đáo.

Lòng tốt giúp người, cứu người của nhân dân Việt Nam vốn có từ lâu đời. Đó là truyền thống “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, “bầu ơi thương lấy bí cùng”... luôn được phát huy hiệu quả trong những lúc gian khó. Khi đã sẵn lòng, họ hào phóng cho đi, giúp đỡ người gặp khó bằng cả thiện tâm.

Trong khó khăn bộn bề bởi dịch Covid-19 cũng đã thổi bùng lên triệu triệu trái tim ấm áp yêu thương. Trong ảnh: Đại diện lãnh đạo huyện Đồng Phú tiếp nhận sự hỗ trợ với tổng trị giá 115 triệu đồng của cụ Nguyễn Văn Xuyến, ngụ ấp 3, xã Tân Lập - Ảnh: Khắc bảy

Trong số các điển hình không thể không kể tới tính chất, quy mô rộng lớn của sự chung tay đóng góp vào Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19. Chỉ sau vài ngày được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động, quỹ đã huy động được hơn 8.000 tỷ đồng và khẳng định, con số này sẽ không dừng lại. Và trong cộng đồng quốc tế, chúng ta cũng trân trọng cảm ơn nhiều nước như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Anh, Rumani, Czech… đã chia sẻ vắc-xin không điều kiện với Việt Nam. Đó chính là sự sẻ chia thiện tâm đầy trách nhiệm và nhân văn, dù vắc-xin phòng ngừa là vấn đề nan giải và với nhiều nước, ứng phó với dịch hoành hành vẫn rất cam go…

Những ngày này, cả nước đang hướng về TP. Hồ Chí Minh bằng những món quà nghĩa tình. Đó là hàng ngàn tình nguyện viên y tế; hàng triệu tấn hàng cứu trợ... Người nghèo vốn đã khổ, gặp cảnh đại dịch kéo dài càng khó khăn gấp bội. Đùm bọc, sẻ chia, cưu mang đồng bào lúc này là việc làm phải đạo. Bản chất từ thiện là phải thực tâm và đừng quên nghĩ tới tâm trạng, cảm xúc người nhận - đó là cách cho; đừng bao giờ cho mà làm tổn thương họ. “Của cho không bằng cách cho”, câu nói này nhắc nhở rằng khi biếu tặng ai, vật gì thì đừng chỉ chú ý đến giá trị vật chất. Điều cần hơn cả là tấm lòng. Thứ cho đi có thể chẳng đáng giá, nhưng nếu kèm theo đó là sự chân thành thì thứ kém giá trị sẽ trở nên quý giá.

Từ thiện không phải là bố thí, ban ơn, càng không có tham vọng muốn được người trả ơn. Đó là nhu cầu tự thân của những người làm từ thiện. Nhìn những cảnh đời bươn chải khó nhọc kiếm bữa cơm khiến họ đau lòng và chính điều này thôi thúc họ san sẻ yêu thương. Từ thiện được sinh từ tâm. Nó được gom góp, chắt chiu từ tấm lòng thơm thảo, phát huy giá trị của "một miếng khi đói bằng một gói khi no".

Ai trong cuộc đời này cũng mong muốn bản thân là người tốt. Và một thế giới không có yêu thương là một thế giới chết. Vì vậy hãy như Trịnh Công Sơn đã viết: “Sống trên đời sống cần có một tấm lòng… để gió cuốn đi!”.

Tác giả bài viết: Sưu tầm

Nguồn tin: Báo Bình Phước