THỰC HIỆN PHÁP LỆNH DÂN SỐ GIAI ĐOẠN 2022 – 2023
Thứ ba - 26/11/2024 14:26
Bình Phước là một tỉnh miền núi thuộc miền đông nam bộ, phía đông giáp tỉnh Lâm Đồng, Đắc Nông và Đồng Nai, phía tây giáp tỉnh Tây Ninh và tỉnh Công Pông (Căm pu chia), phía bắc giáp tỉnh Kra chê và Mun Dun Ki Ri (Căm pu chia), phía nam giáp tỉnh Bình Dương. Diện tích tự nhiên là 6.873,55 km2. Tỉnh Bình Phước có 3 thị xã; 7 huyện và 1 Thành phố. Dân số tính đến hiện tại là khoản 1.068.000 người người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 20%. Bình Phước là tỉnh có mặt bằng dân trí còn thấp. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội còn rất nhiều khó khăn.
Để tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện nghiêm pháp lệnh dân số, hàng năm Chi cục dân số đã xây dựng các kế hoạch thực hiện chương trình y tế - dân số:
Hướng dẫn trung tâm y tế các huyện thị xã, thành phố triển khai thực hiện 111/KH-UBND, ngày 04/4/2021 kế hoạch thực thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030. Tham mưu Sở Y tế ban hành kế hoạch 4410/KH-SYT ngày 17/11/2022 kế hoạch thực hiện Dự án 7 “Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Phước. đồng thời phối hợp hướng dẫn trung tâm y tế các huyện thị xã, thành phố triển khai thực hiện kế hoạch 4410/KH-SYT ngày 17/11/2022 kế hoạch thực hiện Dự án 7 “Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Phước. Xây dựng và triển khai kế hoạch 234/KH-UBND, ngày 08/7/2021 và kế hoạch số 4231/KH-SYT, ngày 03/10/2023 về thực hiện chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 theo Quyết định 1999/QĐ-TTg ngày 07/12/2020 của Thủ tướng Chính Phủ về việc phê duyệt chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030. Tham mưu xây dựng và triển khai chương trình điều chỉnh mức sinh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 của UBND tỉnh số 137/CTr-UBND, ngày 10/5/2022.
Sau khi Pháp lệnh Dân số ban hành năm 2003 và Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh Dân số ban hành năm 2008. Chi Cục Dân số - KHHGĐ đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai và quán triệt Pháp lệnh dân số cho cán bộ chủ chốt là lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh, các huyện thị với thành phần là các đồng chí trong thường trực huyện uỷ, thị uỷ, các đồng chí trưởng các ban Đảng, thường trực UBND và lãnh đạo các phòng ban, các cơ quan ban ngành đoàn thể ở cấp huyện. Ở cấp xã, thành phần tham gia hội nghị triển khai Pháp lệnh dân số là lãnh đạo Đảng, chính quyền và cán bộ chuyên trách dân số xã.
Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã tổ chức phổ biến Pháp lệnh Dân số cho cán bộ chủ chốt các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và huyện. Phối hợp với Đài phát thanh truyền hình và báo Bình Phước đưa các nội dung của Pháp lệnh dân số vào chuyên mục; đồng thời tăng thời lượng phát sóng trên đài PTTH tỉnh, đài truyền thanh cấp huyện và xã. Phối hợp với các ngành đoàn thể tuyên truyền Pháp lệnh dân số cho cán bộ công chức, công nhân viên - lao động ở các cơ quan nhà nước, công ty cao su, các xí nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Pháp lệnh Dân số đã thể hiện đầy đủ các quy phạm điều chỉnh về quy mô dân số, cơ cấu dân số, phân bố dân cư và nâng cao chất lượng dân số: Pháp lệnh Dân số đã được Đảng và Nhà nước thể hiện rất rõ ràng và được giải quyết các yêu cầu cấp bách trước mắt, vì vậy muốn xã hội phát triển bền vững phải có quy mô dân số, cơ cấu dân số, phân bố dân cư và nâng cao chất lượng dân số một cách hợp lý và đồng bộ. Các quy phạm điều chỉnh đã rõ ràng và dễ hiểu, chẳng hạn trong việc điều chỉnh điều 10 Pháp lệnh dân số quy định 7 đối tượng được sinh con thứ 3 thể hiện rất cụ thể, quy định cho từng đối tượng, thể hiện chính xác, mang tính chiến lược lâu dài, làm giảm sức ép của sự gia tăng dân số tự nhiên, hạn chế sức ép tăng dân số cơ học, ổn định quy mô dân số ở mức hợp lý để phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.
Nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền một cách thường xuyên, kịp thời cùng với sự đầu tư, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách địa phương nên nhiều năm qua chương trình dân số - kế hoạch hoá gia đình đã đạt được những kết quả khả quan, mức sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm dần qua từng năm, quy mô dân số từng bước được ổn định góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Việc quy định về cơ cấu dân số là cơ sở khoa học và khá rõ ràng đảm bảo được tính bền vững của dân số trong các năm tiếp theo, trên cơ sở hình thành cơ cấu kinh tế – xã hội của đất nước nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng, phân bố dân cư, tỷ lệ giới tính, độ tuổi lao động… nên việc quy định cơ cấu dân số cần phải được đánh giá chính xác để kịp thời có những điều chỉnh hợp lý nhằm đảm bảo nguồn nhân lực cân bằng.
Năm 2022 dân số trung bình là 1.034.667 người trong đó dân số nam chiếm 521.764 người chiếm tỷ trọng 50,42%, dân số nữ là 512.903 người chiếm tỷ trọng 49,58%; Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên 602.929 người chiếm tỷ trọng 58,27%; tỷ số giới tính toàn tỉnh là 110,93 nam/100 nữ.
Năm 2023 dân số trung bình là 1.057.832 người trong đó dân số nam là 532.253 người chiếm tỷ trọng 50,41%, dân số nữ là 525.579 chiếm tỷ trọng 49,59%; tỷ số giới tính toàn tỉnh là 110,3 nam/100 nữ; Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên 615.658 người chiếm tỷ trọng 58,20%
Dân số trung bình năm 2022 đạt 1.034.667 người, bao gồm dân số thành thị 303.861 người, chiếm 29,37%; dân số nông thôn 730,806 người, chiếm 70,63%;
Dân số trung bình năm 2023 đạt 1.057.832 người, bao gồm dân số thành thị 310.431 người, chiếm 29,34%; dân số nông thôn 747,401 người, chiếm 70,67%;
Việc thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh là biện pháp để sớm phát hiện các dị tật bẩm sinh của thai nhi: Cho đến nay Chi cục Dân số - KHHGĐ vẫn tiếp tục duy trì hoạt động. Hàng năm tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ Y tế các huyện, thị xã, thành phố tổ chức lấy mẫu máu gót chân tại bệnh viện đa khoa tỉnh, và gửi về Bệnh viện Từ Dũ để làm xét nghiệm, thực hiện quản lý tốt các đối tượng bất thường như: Giảm men G6PD…Việc thực hiện các quy định kiểm tra sức khoẻ, tư vấn khám sức khoẻ trước khi hôn nhân đã triển khai tại 08 huyện, thị xã, thành phố: Thị xã Phước Long; Thị xã Bình Long; Thành phố Đồng Xoài huyện Đồng Phú, huyện Bù gia Mập, huyện Bù Đăng, huyện Phú Riềng và huyện Lộc Ninh. Đây là những huyện có vị thành niên và thanh niên bước vào độ tuổi kết hôn cao nhưng kiến thức về cuộc sống hôn nhân và gia đình còn nhiều hạn chế.
Trên địa bàn tỉnh Bình phước đang đẩy mạnh chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi. Ngoài ra mỗi thôn, ấp, bản, làng, khu phố đều thành lập chi hội người cao tuổi, trong mỗi chi hội tuỳ vào điều kiện thực tế các cụ thành lập ra các câu lạc bộ như: Câu lạc bộ dưỡng sinh, câu lạc bộ thơ, câu lạc bộ sinh vật cảnh … Đây là môi trường thuận lợi cho các cụ sinh hoạt thể dục thể thao vui chơi giải trí tuổi già, với phương châm “sống vui sống khoẻ”. Tổ chức hội nghị chăm sóc sức khỏe người cao tuổi với sự tham dự của các cơ quan ban ngành đoàn thể tại địa phương, các tổ chức hội và đại diện người cao tuổi tại địa phương cùng tham gia.
Thực hiện Pháp lệnh dân số (trong năm 2022 - 2023) Bình Phước đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ; tỷ suất sinh năm 2022 là 13,60%o đến năm 2023 giảm xuống còn 13,54%o. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm đáng kể: tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại ngày một tăng lên. Các cơ sở phúc lợi xã hội phục vụ đời sống nhân dân ngày một nhiều, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt. Song song với những thành tựu đạt được là nhờ vào sự quan tâm sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền ngày một cụ thể, rõ ràng hơn, từ đó đã có sự chỉ đạo sát sao trong quá trình thực hiện Pháp lệnh dân số làm thay đổi hành vi của người dân trong quá trình thực hiện. Trong quá trình tổ chức thực hiện các Sở, ban, ngành đoàn thể đã có sự chủ động trong việc phối kết hợp lồng ghép công tác Dân số vào nội dung, chương trình hoạt động của đơn vị, xây dựng nhiều mô hình, hình thức tuyên truyền; tổ chức nhiều đợt tập huấn, hội thảo chuyên đề; mô hình gia đình không sinh con thứ 3, câu lạc bộ không sinh con thứ 3, câu lạc bộ vì sức khỏe vị thành niên .... nhờ vậy, đã huy động được sự tham gia ngày càng rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. Sự vào cuộc mạnh mẽ của Tổ chức Đảng, của HĐND, của UBND, của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, của các sở, ban ngành và của các đoàn thể trong việc lồng ghép chương trình dân số, sức khỏe sinh sản vào các hoạt động thường xuyên của ngành đã góp phần tích cực vào việc thành công của chương trình Dân số. Sự nhiệt tình, tâm huyết cộng với cố gắng hết mình của tất cả đội ngũ những người làm công tác Dân số từ tỉnh đến cơ sở. Sự hưởng ứng mạnh mẽ của đông đảo quần chúng nhân dân trong tỉnh cũng đã góp phần không nhỏ tạo nên thành quả hôm nay.
Bên cạnh những thành quả đạt được, tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn hạn chế nhất định: Thiếu chính sách khen thưởng kịp thời, động viên những tập thể, cá nhân, đây là nguồn động lực hết sức quý báu khuyến khích họ hoạt động tốt hơn về chính sách Dân số; Mức sinh có sự khác biệt đáng kể giữa các địa phương, khu vực giữa nông thôn và thành thị. Khu vực vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng có mức sinh cao, có nơi rất cao. Trong khi ở khu vực thị xã, thành phố mức sinh đã xuống thấp; Tâm lý thích con trai, định kiến giới vẫn còn sâu sắc, tuy không bổ biến nhưng một số ít lạm dụng sự tiến bộ của y khoa, khoa học công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi, việc thực thi các quy định pháp luật chưa nghiêm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện chính sách dân số hiện hành; Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn cao, chênh lệch nhiều giữa các vùng, địa phương trong tỉnh. Tình trạng trẻ em thừa cân, rối nhiễu tâm trí, tự kỷ những năm gần đây có xu hướng gia tăng; tỷ lệ tầm soát, chẩn đoán trước sinh, sơ sinh còn thấp; Tầm vóc, thể lực người dân có được cải thiện tuy nhiên chưa đạt yêu cầu so với mức chung của toàn quốc, gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực lao động chung của tỉnh trong nhưng năm tiếp theo, tình trạng tảo hôn không phổ biến nhưng vẫn còn. Tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh chưa được cải thiện; Mặc dù có sự chuyển dịch dân cư hợp lý, tuy nhiên khu vực nông thôn, biên giới vẫn chưa được phân bố đủ lao động trẻ, đa số nguồn lực lao động trong lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ đều dịch chuyển về khu vực thành thị, thành phố; Phân bố dân cư chưa đồng đều giữa các đơn vị hành chính cấp huyện, thị xã, thành phố, ở một số huyện chủ yếu là dân cư để sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ ở các vùng sâu vùng xa vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.
Tác giả bài viết: Trung Tá
Nguồn tin: Chi cục Dân số tỉnh
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http:/dansobp.gov.vn là vi phạm bản quyền