Giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, Nâng cao vai trò, vị thế trẻ em gái.
Thứ sáu - 19/04/2024 09:36
Từ năm 2011, ngày 11/10 được chọn làm Ngày Quốc tế trẻ em gái. Mục đích để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, thúc đẩy cộng đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ, nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái nói riêng và phụ nữ nói chung.
Dự báo, nếu tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) hiện tại không thay đổi, đến năm 2024 sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi 15-49 và con số này vào năm 2059 sẽ tăng lên thành 2,5 triệu. Những hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh gây ra như nam giới khó lấy được vợ, phụ nữ kết hôn sớm, tỷ lệ ly hôn cao, bất bình đẳng giới ngày càng trầm trọng, tệ nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ trẻ em gia tăng. Xã hội ngày càng phát triển, vai trò, vị trí của phụ nữ, trẻ em ngày càng được khẳng định. Tuy nhiên, định kiến giới và tư tưởng trọng nam hơn nữ vẫn tồn tại khá phổ biến ở trong gia đình và một bộ phận dân cư.
Muốn xóa dần sự phân biệt đối xử giữa con trai và con gái cần sự chung tay góp sức của nhà trường, gia đình, xã hội và cả hệ thống chính trị. Trong đó, đối với xã hội cần tăng cường tuyên truyền vận động người dân để thay đổi tư duy, nhận thức về bình đẳng giới. Để tạo dư luận xã hội ủng hộ và xóa dần sự phân biệt, nền tảng đầu tiên phải giáo dục giới tính, giáo dục tình dục và bình đẳng giới ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, và gia đình là yếu tố quan trọng nhất để xây dựng một xã hội bình đẳng giới trong tương lai vì gia đình là nơi khởi đầu, tấm gương của việc thực hiện bình đẳng giới. Con trai và con gái đều được đối xử bình đẳng trong chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục góp phần tăng chất lượng cuộc sống của các thành viên, xây dựng gia đình bền vững.
Tại Bình Phước, tỷ số GTKS có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Năm 2023 ở mức 110,3 trẻ em nam/100 trẻ em gái. So với chỉ tiêu giao trong kế hoạch hành động giai đoạn 2020-2025 của tỉnh thực hiện chiến lược dân số Việt Nam, đến năm 2030 có khả năng đạt chỉ tiêu này.
Nguyên nhân gốc rễ của mất cân bằng giới tính khi sinh là trọng nam hơn nữ dẫn đến bất bình đẳng giới, phá thai trẻ em gái và gây ra hậu quả mất cân bằng giới tính khi sinh. Do đó, cần tăng cường sự quản lý về công tác dân số, xây dựng các chính sách liên quan như quy định nghiêm và chặt chẽ hơn nữa trong việc công bố giới tính thai nhi tại các bệnh viện và phòng khám tư. Nâng cao nhận thức của người dân về giới, bình đẳng giới, hậu quả của việc mất cân bằng giới tính khi sinh nhằm hạn chế các hành vi không phù hợp với sinh đẻ theo quy luật tự nhiên.
Vì vậy không ngừng nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, hướng đến một xã hội bình đẳng hơn, không còn tình trạng "trọng nam, hơn nữ", xây dựng và ban hành các hệ thống an sinh xã hội, đề án phúc lợi kinh tế có chú trọng đến đối tượng là phụ nữ và trẻ em gái, cần đảm bảo những chính sách an sinh xã hội phù hợp với tình hình mới. Cần giải quyết nguyên nhân căn bản, gốc rễ của vấn đề là định kiến giới, tâm lý ưa thích con trai hơn con gái đã "ăn sâu" vào tiềm thức, làm sao để có thể an tâm khi về già mà giảm bớt sự phụ thuộc vào con cái.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Dịu
Nguồn tin: Chi cục Dân số - KHHGD
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http:/dansobp.gov.vn là vi phạm bản quyền