Thai phụ có ceton niệu do chủ quan trong quản lý đái tháo đường thai kỳ
Thời gian qua, Khoa Nội tiết sinh sản - Bệnh viện Nội tiết Trung ương tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân nữ 40 tuổi. Khi nhập viện, bệnh nhân có tình trạng đường máu cao, ceton niệu, thai to. Bệnh nhân có tiền sử mắc đái tháo đường thai kỳ ở 2 lần mang thai trước, đều phải điều trị. Ngoài ra, bệnh nhân có 2 lần thai lưu ở tuần thai thứ 7 - 8. Là lần mang thai thứ 5, nhưng bệnh nhân đã không đi khám và đánh giá yếu tố nguy cơ đái tháo đường thai kỳ mà tự điều chỉnh chế độ ăn uống. Đến tuần thai thứ 28, khi đi khám thai sản, bác sĩ sản khoa dự đoán tình trạng thai to (1,5kg), nên hướng dẫn bệnh nhân đi làm nghiệm pháp tăng đường máu thai kỳ nhằm phát hiện đái tháo đường thai kỳ.
Kết quả cho thấy: Đường máu lúc đói là 10.3 mmol/l. Sau 1 giờ uống glucose, đường huyết tăng là 18.4mmol/l, sau 2 giờ đường huyết là 18.92mmol/l. Ngoài ra, các xét nghiệm khác cho thấy bệnh nhân có ceton niệu; có tình trạng thừa cân...
Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bác sĩ khám bệnh đã kết luận bệnh nhân mắc đái tháo đường trước khi mang thai. Tức là thuộc trường hợp bệnh nhân đái tháo đường mang thai.
Yếu tố nguy cơ đái tháo đường thai kỳ
Các yếu tố nguy cơ cao của đái tháo đường thai kỳ là khi có bất kỳ yếu tố nào dưới đây:
- Tiền sử gia đình có quan hệ bậc 1 với người đái tháo đường.
- Tiền sử sinh con từ 4kg trở lên.
- Tiền sử bị rối loạn đường huyết/đái tháo đường thai kỳ ở lần mang thai trước.
- Glucose niệu trong khi mang thai.
- Hội chứng buồng trứng đa nang.
- Béo phì trước khi mang thai.
Đối với trường hợp bệnh nhân nêu trên, có cùng nhiều yếu tố nguy cơ cao của đái tháo đường thai kỳ, gồm:
- Mang thai khi tuổi đã cao.
- Thừa cân trước khi mang thai.
- Tiền sử 2 lần mang thai mắc đái tháo đường thai kỳ.
- Tiền sử sảy thai.
- Có bố mắc đái tháo đường.
Tuy nhiên, bệnh nhân đã không đi khám định kỳ để phát hiện bệnh đái tháo đường. Hơn nữa dù 2 lần trước đó đã bị đái tháo đường thai kỳ, nhưng lần mang thai này bệnh nhân cũng không đi khám để được xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ sớm nên đã dẫn đến các tình trạng nêu trên.
Các biến chứng của đái tháo đường thai kỳ
Theo các bác sĩ của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, các biến chứng thường gặp của đái tháo đường thai kỳ như gây tăng huyết áp và tiền sản giật. Đây là 2 biến chứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng của mẹ và con. Tăng nguy cơ sinh non, sảy thai tự nhiên, nhiễm khuẩn đường tiết niệu...
Đối với thai nhi, lượng đường trong máu cao hơn bình thường ở người mẹ là nguyên nhân khiến thai nhi phát triển quá nhanh, dẫn tới cân nặng lúc sinh to (thường là trên 4kg). Thai quá lớn sẽ dễ gặp phải chấn thương trong lúc sinh. Biến chứng này có thể dẫn đến liệt thần kinh cánh tay, gãy xương đòn, suy thai, ngạt. Nguy cơ suy yếu thai cao gấp 4 lần; dễ mắc các dị tật bẩm sinh. Nguy cơ sinh non, trẻ gặp phải hội chứng suy hô hấp, thường phải chăm sóc đặc biệt sau sinh. Nguy cơ bệnh tật tiềm ẩn cho trẻ như rối loạn chuyển hóa như hạ glucose máu trẻ sơ sinh, hạ canxi máu (do suy cận giáp trạng chức năng), tăng billirubin máu, chứng đa hồng cầu (do giảm oxy máu); Nguy cơ bệnh tim mạch, béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu…
Vì vậy, với phụ nữ có tiền sử đái tháo đường thai kỳ cần lưu ý:
- Xét nghiệm đường máu định kỳ 6 tháng/lần.
- Khám và xét nghiệm đường máu trước khi mang thai.
- Khi có thai cần đi xét nghiệm đường máu ngay để đánh giá nguy cơ.
- Thực hiện chế độ ăn theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
Điều trị đái tháo đường ở phụ nữ mang thai
Điều trị đái tháo đường nói chung và đái tháo đường ở phụ nữ mang thai nói riêng đều cần kết hợp các phương pháp: Dinh dưỡng, luyện tập và dùng thuốc. Tùy trường hợp cụ thể, ví dụ như đái tháo đường thai kỳ hay người bệnh đái tháo đường mang thai sẽ có phác đồ và mục tiêu điều trị khác nhau.
Mục tiêu đối với đái tháo đường thai kỳ là kiểm soát glucose cần đạt mức:
- Glucose máu mao mạch lúc đói của mẹ =< 5,3 mmol/L.
- Glucose máu mao mạch 1 giờ sau ăn =< 7,8 mmol/L.
- Glucose máu mao mạch 2 giờ sau ăn =< 6,7 mmol/L.
Đối với người bệnh đái tháo đường mang thai cần đạt mức:
- Glucose máu mao mạch lúc đói =< 5,3 mmol/L.
- Glucose máu mao mạch 1 giờ sau ăn =< 7,8 mmol/L.
- Glucose máu mao mạch 2 giờ sau ăn =< 6,7 mmol/L.
- HbA1C < 6 – 6,5% và không có hạ đường máu quá mức.
Điều trị bằng dinh dưỡng để đạt được mục tiêu:
- Đạt được mức glucose bình thường.
- Tránh tăng ceton máu.
- Tăng cân hợp lý.
- Thai khỏe mạnh.
Chế độ dinh dưỡng cần cá thể hóa, khuyến cáo gợi ý như sau:
- Phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ có cân nặng lý tưởng cần 30kcal/kg/ngày.
- Phụ nữ thừa cân cần 22-25kcal/kg/ngày.
- Phụ nữ béo phì giảm 30% nhu cầu năng lượng hoặc hạn chế ở mức dưới 22kcal/kg/ngày.
- Phụ nữ thiếu cân cần 40 kcal/kg/ngày.
Thành phần nhóm chất dinh dưỡng khuyến cáo theo tỉ lệ:
- Lượng carbohydrat nên phân bổ thành nhiều bữa để tránh tăng glucose máu sau ăn. Tỷ lệ carbohydrat chiếm khoảng 40% nguồn cung cấp năng lượng nhưng đảm bảo không làm tăng keton máu. Hạn chế các loại carbohydrat như bánh mỳ, cơm, khoai tây, trái cây ngọt, nước ép trái cây.
- Sử dụng các loại thực phẩm có chỉ số đường thấp.
- Protein chiếm khoảng 20% nguồn cung cấp năng lượng.
- Lipid chiếm 40% nguồn cung cấp năng lượng, trong đó mỡ bão hòa chiếm dưới 7%.
- Cần cung cấp đủ các vitamin, khoáng chất cần thiết cho bà mẹ.
- Theo dõi cân nặng bệnh nhân thường xuyên.
Chế độ luyện tập: Nên khuyến cáo phụ nữ có thai luyện tập nếu không có chống chỉ định về sản khoa. Phụ nữ mang thai nên duy trì mức vận động cường độ nhẹ đến trung bình với khoảng thời gian 20 – 30 phút/lần, 3 lần/tuần.
Điều trị bằng thuốc: Theo PGS.TS.Tạ Văn Bình - nguyên Giám đốc BV Nội tiết TW, "đã mang thai là phải dùng insulin để hạ đường máu dù là đái tháo đường thai kỳ hay đái tháo đường type 2 mang thai".
PGS.TS.Tạ Văn Bình cũng cho hay: Tới nay cũng có vài nghiên cứu cho rằng có thể dùng một số loại thuốc uống để điều trị cho người đái tháo đường thai kỳ hoặc đái tháo đường type 2 mang thai. Song các ý kiến này không được đại đa số các nhà chuyên môn ủng hộ. Cũng có khuyến cáo nên chọn một số loại insulin cho sản phụ, nhưng vẫn nên lựa chọn loại insulin sử dụng và liều lượng insulin theo từng bệnh nhân. Liều lượng insulin khi mang thai cũng cần thay đổi theo tuổi thai. Vì thế bệnh nhân cần phải đi khám thường xuyên mỗi 4 tuần để có lời khuyên và chỉ định liều thuốc thích hợp.
Người đái tháo đường thai kỳ cũng có những lời khuyên riêng về chế độ ăn thay đổi theo tuổi thai.
Sau khi sinh xong, việc có cần dùng thuốc điều trị đái tháo đường hay không sẽ được quyết định bởi chẩn đoán xác định sau khi sinh từ tuần thứ 6 đến tuần thứ 12 bằng nghiệm pháp tăng glucose máu đường uống.