Bình Phước truyền thông hưởng ứng ngày Thalassemia Thế giới 8/5 (còn được gọi là bệnh Tan máu bẩm sinh)
Thứ hai - 13/05/2024 09:21
Bệnh tan máu bẩm sinh gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng đến giống nòi, để lại hệ lụy lâu dài cho người bệnh, cộng đồng. Thalassemia (còn được gọi là bệnh Tan máu bẩm sinh), được thế giới phát hiện từ năm 1925 và bắt đầu được nghiên cứu tại Việt Nam từ năm 1960. Thalassemia đã và đang gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng đến giống nòi, để lại hệ lụy lâu dài cho đời sống của người bệnh, cộng đồng. Đây cũng là bệnh lý huyết học di truyền phổ biến nhất hiện nay trên thế giới với hai biểu hiện nổi bật làm cho người bệnh bị thiếu máu và ứ đọng sắt trong cơ thể.
Trên toàn thế giới có hơn 7% dân số toàn cầu mang gen bệnh và có hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ chịu ảnh hưởng bởi căn bệnh này, trong đó có Việt Nam. Hiện, theo số liệu thống kê của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Việt Nam có khoảng 13 triệu người, tương đương 13% dân số mang gen bệnh. Trong đó người đồng bào dân tộc miền núi chiếm tỷ lệ từ 20 - 40%. Số bệnh nhân tan máu bẩm sinh thể nặng cần điều trị thường xuyên là trên 20.000 người, trong đó 44% là trẻ em dưới 15 tuổi. Ước tính chi phí điều trị trung bình cho một bệnh nhân thể nặng từ khi sinh ra tới 30 tuổi hết khoảng 3 tỷ đồng. Hiện số người mắc bệnh Thalassemia rất nhiều, số lượng bệnh nhân chưa được phát hiện khá lớn. Trong khi đó, chưa có đánh giá cụ thể thực trạng bệnh nhân mắc tan máu bẩm sinh và nhiều người dân chưa hiểu rõ về bệnh này. Đây chính là khoảng trống về công tác truyền thông của chúng ta hiện nay. Kỷ niệm ngày Thalassemia Thế giới 8/5, Bình Phước tuyên truyền hưởng ứng với chủ đề “Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh để góp phần nâng cao chất lượng giống nòi Việt”.
Để giảm thiểu gánh nặng điều trị và chăm sóc người bệnh, có thể phòng bệnh hiệu quả bằng các biện pháp như tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh từ đó giúp cho họ có sự lựa chọn đúng đắn về hôn nhân cũng như quyết định mang thai và sinh đẻ nhằm sinh ra những đứa con không mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Đẩy mạnh công tác phòng bệnh, tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tan máu bẩm sinh, cần chung tay của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Đối với lĩnh vực Dân số và Phát triển, truyền thông, giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể; các chức sắc tôn giáo; những người có uy tín trong cộng đồng, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nam nữ thanh niên sắp kết hôn thanh niên cần chủ động tham gia tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn để có lựa chọn đúng đắn về hôn nhân vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai con em./.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Dịu
Nguồn tin: Chi cục Dân số - KHHGD
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http:/dansobp.gov.vn là vi phạm bản quyền