BÌNH PHƯỚC CẦN DUY TRÌ MỨC SINH THAY THẾ
Thứ ba - 11/06/2024 09:13
Hiện nay, nước ta đang đối mặt với thực trạng chênh lệch đáng kể mức sinh giữa các vùng, miền. Xu hướng không muốn hoặc sinh rất ít con đã xuất hiện ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển. Trong khi đó, tại một số nơi điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn mức sinh vẫn cao, thậm chí rất cao. Vì vậy, duy trì vững chắc “mức sinh thay thế” để phát huy lợi thế con người, đảm bảo khả năng cạnh tranh của lực lượng lao động là nhiệm vụ, mục tiêu rất quan trọng với công tác dân số trong tình hình mới. Cụm từ mức sinh thay thế được hiểu nôm na là mức sinh trung bình một phụ nữ trong toàn bộ cuộc đời của mình sinh đủ số con gái để thay thế mình thực hiện chức năng sinh đẻ, duy trì nòi giống. Cụ thể, nếu mổi người mẹ sinh được 2 con là đạt mức sinh thay thế, vì theo quy luật tự nhiên và tính trên phạm vi rộng thì trong 2 con sẽ có 1 con gái để thay thế mẹ mình thực hiện chức năng sinh đẻ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi các yếu tố như tuổi thọ của phụ nữ, tỷ suất chết trẻ em, tỷ lệ người độc thân, vô sinh… nên mức sinh thay thế thường là 2,1 con. Vì vậy, nếu để mức sinh quá thấp và duy trì nó trong một thời gian dài sẽ dẫn đến ít trẻ em được sinh ra, dân số già hóa nhanh. Tình trạng này sẽ gây suy giảm dân số, thiếu hụt nguồn lực lao động nghiêm trọng làm suy giảm tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng; suy giảm ảnh hưởng trên trường quốc tế; thiếu người chăm sóc người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số; nguy cơ đe doạ tới quỹ hưu trí và bảo hiểm y tế làm cho sự phát triển của đất nước trở nên kém bền vững. Ngược lại, nếu để mức sinh cao, gia tăng dân số nhanh sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đầu tư cho đảm bảo an sinh xã hội, tăng thu nhập bình quân trên đầu người nói riêng và cản trở phát triển kinh tế- xã hội nói chung; gây khó khăn lớn cho việc cải thiện đời sống của nhân dân, hạn chế điều kiện phát triển về mặt trí tuệ, văn hóa và thể lực của giống nòi.
Mặc dù tỉnh Bình Phước đã khống chế tốc độ gia tăng dân số, đạt mức sinh thay thế năm 2014, sớm 2 năm so với mục tiêu đề ra, mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các địa phương trong tỉnh, theo đó mức sinh cao nhất là 15,97%o . Như vậy, việc duy trì mức sinh thay thế và giảm chênh lệch mức sinh sẽ góp phần ổn định quy mô dân số, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực cho sự phát triển. Kết quả này giúp tránh được những hiệu ứng không tích cực của cả hai trạng thái: quy mô dân số quá đông, mật độ dân số quá cao do mức sinh tăng trở lại hoặc quy mô dân số giảm sớm, giảm nhanh dưới mức thay thế thì rất khó đưa mức sinh tăng trở lại, dù có đầu tư lớn cho chính sách khuyến sinh. Cho nên, cần tuyên truyền, vận động sinh ít con hơn ở nơi mức sinh còn cao, duy trì ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế và sinh thêm con ở những nơi mức sinh đã xuống thấp. Cụ thể, với vùng mức sinh cao, khẩu hiệu vận động là “Dừng ở hai con để nuôi, dạy cho tốt”. Còn với vùng mức sinh thay thế và vùng mức sinh thấp, thì tuyên truyền vận động “Mỗi gia đình, cặp vợ chồng sinh đủ hai con”. Bên cạnh đó, nếu có chính sách, can thiệp kịp thời sẽ góp phần làm giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, làm chậm quá trình già hóa và cải thiện chất lượng dân số, góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững. Bởi, con người là động lực và mục tiêu của sự phát triển trong xã hội hiện đại. Sự bất ổn về cơ cấu dân số (tuổi, giới tính…) sẽ gây ra hệ lụy lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu phát triển đất nước.
Để thực tốt vấn đề này cần có sự tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền trong việc triển khai thực hiện kế hoạch điều chỉnh mức sinh; huy động các ngành, đoàn thể tham gia thực hiện kế hoạch về dân số và phát triển; đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động chuyển đổi hành vi với các hình thức đa dạng, phong phú, sinh động, hấp dẫn và phù hợp với văn hóa, tập quán, từng nhóm đối tượng; mở rộng tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình và các dịch vụ có liên quan. Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác dân số các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội. Với những giải pháp tích cực vừa nêu sẽ mang lại hiệu quả, nhằm góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến 2030, cũng như thúc đẩy quá trình phát triển của một địa phương, một vùng, một quốc gia./.
Tác giả bài viết: Thu Trang
Nguồn tin: Chi cục Dân số - KHHGD
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http:/dansobp.gov.vn là vi phạm bản quyền